Kỹ năng của người sản xuất, đặc biệt là kinh nghiệm, kỹ thuật tỉa cành, thu hoạch và khử chát bằng các phương pháp truyền thống là một phần nguyên nhân giúp hồng không hạt Bảo Lâm có được chất lượng đặc thù mà ít nơi nào có thể sánh được.

Hồng không hạt không chỉ trở thành cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình ở Bảo Lâm, mà còn nổi tiếng khắp trong cả nước nhờ vào sự tươi ngon và hương vị đặc trưng.

Theo tiếng của dân tộc Tày, Hồng không hạt còn được gọi là “Mác hồng”, còn chúng ta hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm hồng qua nước để khử chát.

Hồng không hạt yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rất cao.

Hồng là loại cây trồng không khó tính, thích hợp với đất đồi núi, khô hạn, nghèo dinh dưỡng vẫn cho năng suất cao. Ngoài các yếu tố về giống, di truyền, điều kiện tự nhiên thì các bí quyết có từ hàng trăm năm của người dân địa phương ở khu vực địa lý trong việc canh tác cây hồng kết hợp với quy trình kỹ thuật hiện đại được áp dụng đã góp phần giúp cho chất lượng cũng như năng suất của quả hồng không hạt Bảo Lâm ngày càng ổn định.

Kỹ năng của người sản xuất, đặc biệt là kinh nghiệm, kỹ thuật tỉa cành, thu hoạch và khử chát bằng các phương pháp truyền thống cũng tạo nên chất lương đặc thù cho sản phẩm.

Để có được trái hồng không hạt thơm ngon, người chăm sóc cần thực hiện tốt nhiều công đoạn, cụ thể:

Công đoạn nhân giống

Hồng không hạt Bắc Kạn là giống hồng không có hạt nên không thể nhân giống từ hạt, chỉ có thể nhân giống bằng phương pháp vô tính. Do đó, có hai cách nhân giống hồng như sau:

- Nhân giống bằng phương pháp tách rễ: Nguyên liệu để nhân giống là rễ cây hồng trưởng thành, đã cho thu hoạch ổn định. Khi rễ cây hồng không hạt khi bị các vết thương cơ giới sẽ hình thành mô sẹo và tại đấy sẽ mọc lên mầm cây vào mùa xuân (tháng 2-3), khi mầm cây phát triển tới chiều cao khoảng 30-50 cm tiến hành chặt hai đầu rễ đem trồng. Trường hợp rễ chưa nẩy mầm: Chọn một đoạn rễ bánh tẻ (không già và không non) có đường kính rễ 1-1.5 cm, cắt hai đầu với chiều dài 15 -20 cm sau đó cắm đầu rễ phía xa gốc vào đất ẩm sau 1-3 tháng cây bật mầm có chiều cao 30-50 cm mang đi trồng.

- Nhân giống bằng phương pháp ghép cành: Nguyên liệu để ghép cành gồm có cây gốc ghép và cành ghép: Cây gốc ghép được nảy mầm từ hạt hồng của cây hồng hạt; còn cành ghép được lấy từ cây hồng không hạt Bắc Kạn.

- Tiến hành ghép cây vào vụ xuân (tháng 3 – 4) hoặc vụ thu (tháng 8 – 9) với yêu cầu cành ghép bằng hoặc nhỏ hơn cây gốc ghép, phần vỏ và gỗ của cành ghép phải khít với phần vỏ và gỗ của cây gốc ghép (mục đích để nhựa của cây gốc ghép chuyền được sang cành ghép, và vì vậy nuôi sống được cành ghép), không ghép vào ngày mưa.

- Chọn những cây hồng không hạt Bắc Kạn ưu tú nhất, đủ tiêu chuẩn làm cây mẹ (cây đã ra quả ổn định – có quả từ năm thứ 5 trở lên, độ tuổi cây từ 15-20 năm, cây cho quả có mẫu mã đẹp, đồng đều, năng suất cao, ổn định, cây sinh trưởng khỏe, khả năng kháng sâu bệnh cao).

- Khi chồi chuyển từ màu xanh sang màu nâu (cành đã hóa gỗ) thì chuẩn bị cắt để lấy cành ghép. Chọn những cành ghép màu nâu (bánh tẻ), lá to, mầm ngủ to. Sau khi cắt cành ghép, loại bỏ hết lá, bó lại từng bó bằng bẹ chuối tươi hoặc giẻ ẩm để mang đến vườn ươm.

- Sau khi ghép 30 - 35 ngày, cây có thể bật mầm (mầm tự đâm thủng nilông). Trong trường hợp mầm khó đâm thủng, dùng dao nhọn và sắc đâm thủng ngay đầu mầm.

- Khi mầm cành ghép mọc được 1 – 2 cm, tiến hành phun thuốc trừ sâu. Khi mầm cành ghép vươn cao 15 - 20cm, tiến hành làm cỏ vun gốc và bón phân (1 tháng 1 lần). Trên mỗi cành ghép chỉ để 1 đến 2 cành mầm, mục đích để cây tập trung dinh dưỡng. Khi cành chính mọc cao 20 - 25cm, tiếp tục bấm ngọn để mỗi cành chính ra 2 - 3 cành cấp 2.

- Sau khi ghép khoảng 5 - 6 tháng, vào vụ xuân, khi cành ghép đạt tiêu chuẩn thì đem đi trồng (mầm cành ghép dài 30 - 40 cm, các mầm trên cành ghép đã chuyển từ màu xanh sang màu nâu, có 2 - 3 cành cấp 2).

Công đoạn đào hố và trồng cây

- Đào hố trồng hồng không hạt có kích thước sâu 50-60 cm, rộng 60-70 cm nếu là đất vườn, trường hợp đất đồi thì đào hố rộng 70-80cm và sâu 60-80 cm. Khoảng cách giữa các hố là hàng cách hàng 5m x 5m hoặc 6m x 6m.

- Hố phải được chuẩn bị trước khi trồng tối thiểu từ 3-6 tháng, mục đích để phân bón lót trong hố có thời gian hoại mục. Đào lớp đất mặt có độ sâu 20-30cm, hất lớp đất này sang một bên. Tiếp tục đào lớp đất bên dưới lớp đất mặt sao cho tổng độ sâu của toàn bộ hố trồng như đã nêu tại bảng 4. Hất toàn bộ lớp đất này sang bên đối diện với bên của lớp đất mặt. Mục đích của việc khi đào hố trên dất dốc người dân Bắc Kạn thường phải hất đất qua hai bên và không hất lên phía trên là để tránh cho đất không trôi xuống hố;

- Tiến hành trộn đều lớp đất mặt và cây cỏ + phân chuồng hoại mục + vôi bột + phân kali+ phân vi sinh với trọng lượng như đã nêu tại bảng 4 xuống hố để ủ, phủ thêm một lớp đất trên mặt hố. Trước khi trồng 1 tuần, tiến hành đảo phân trong hố để cho khí độc thoát ra.

- Khi cây đủ tuối để xuất vườn (mầm cành ghép chuyển từ màu xanh sang màu nâu và có 2-3 cấp cành) thì tiến hành mang đi trồng. Bóc bầu để rễ cây phát triển; Bấm ngọn; Tỉa 30-50% lá nhằm hạn chế sự thoát hơi nước sau đó tiến hành trồng.

- Đào một khoảng trống giữa hố đã chuẩn bị sao cho vừa với bầu cây (khi đặt bầu cây có thể chìm xuống thấp hơn mặt đất 2-3cm). Lấp đất nhỏ vào quanh gốc cây, lấy tay ấn nhẹ xung quanh cho đất và bầu tiếp xúc với nhau. Không dùng chân hoặc cuốc xẻng lèn chặt, dẫn đến vỡ bầu làm chế cây và không để phân tươi tiếp xúc với rễ.

- Dùng que tre hoặc gỗ cắm chéo với phần gốc ghép 450, không được cắm vào bầu vì nếu vỡ bầu, cây có thể chết. Dùng dây mềm buộc cố định vào phần gốc ghép. Tiền hành tưới nước vòng quanh hố cách gốc 10-20cm đến khi nước tràn trên mặt đất. Không tưới vào gốc để tránh tình trạng làm hở gốc. Nếu hở gốc phải bổ sung đất cho kín bầu. Dùng cỏ khô, rơm, rạ tủ vào gốc để giữ ẩm. Khi tủ gốc, phải để hở phần gốc cây để theo dõi sâu bệnh và nấm mốc. Dùng cành cây hoặc lá cọ che nắng cho cây khi cây mới trồng.

Công đoạn chăm sóc

- Bón phân theo đường kính tán, lượng phân bón cho cây tùy thuộc vào tuổi của cây, nhưng loại phân sử dụng và các đợt bón là giống nhau (phân chuồng đạm urê, supe lân, sun phát kali, bón vào 3 đợt: tháng 12, tháng 2 và tháng 4).

- Khi cây còn nhỏ (3 năm đầu): Bón 10 kg phân chuồng + 0,5 kg đạm urê + 1 kg supe lân + 0,5 kg sunphát kali cho 1 cây/năm. Sang năm thứ 4, năm thứ 6, hàng năm bón 20 kg phân chuồng + 0, 5kg đạm urê + 1 kg supe lân + 0, 5 kg sunphát kali cho một cây. Khi cây sung sức và sai quả, hàng năm bón 30 kg phân chuồng + 1 kg urê + 2 kg supe lân + 0, 5 kg sunphát kali.

Thu hoạch, bảo quản và khử chát cho quả hồng

- Thời gian từ khi trồng cây mới (cây hồng được tạo ra từ phương pháp ghép cành) cho đến khi cây ra hoa và cho quả là 3-5 năm. Đối với cây hồng không hạt được tạo ra từ phương pháp tách rễ, thời gian này là từ 5-7 năm. Hồng không hạt Bắc Kạn ra hoa vào mùa xuân (tháng 2-3), đậu quả (quả non) vào tháng 3-4, thời gian từ lúc ra quả cho đến quả khi chín kéo dài 5-6 tháng (quả chín vào tháng 9-10 hàng năm).

- Tiến hành thu hoạch khi quả hồng chuyển sang màu vàng, đáy quả có ánh vàng. Nếu để quả chuyển màu đỏ ăn sẽ nhũn, còn nếu thu hoạch sớm khi quả xanh ăn sẽ nhạt.

- Kỹ thuật thu hoạch là Ngắt từng quả, tránh làm nát quả; Phân loại quả xanh và quả chín riêng, đựng hồng trong các túi, thùng, tốt nhất là hộp xốp.

- Bảo quản hồng ở nơi mát mẻ, không để hồng thành đống to vì nhiệt độ cao sẽ làm hỏng quả.

- Hồng không hạt Bắc Kạn mới thu hoạch không ăn ngay được. Nguyên nhân là do hàm lượng tanin (chất chát) trong quả cao. Tanin thường ở dạng hoà tan nên gây cảm giác chát, cần làm cho tanin ngưng tụ, hoặc làm giảm lượng tanin hoà tan, do vậy khi thu hoạch tiến hành khử chát cho quả.

- Quả sau khi thu hoạch được phân loại và cho vào vại sứ, chậu nhựa hoặc hộp xốp rồi đổ ngập nước lã, không ngâm trong vật dụng làm bằng sắt vì tanin có phản ứng với sắt làm chất lượng và phẩm chất quả kém.

- Ngâm từ 40 – 60 giờ (phụ thuộc quả xanh hay chín, nhiệt độ nước cao hay thấp). Có thể ngâm mà không cần thay nước, nhưng tốt nhất là 24 tiếng thay một lần để đảm bảo chất lượng và mẫu mã.

- Sau 40 tiếng, nếm thấy quả hết chát tiến hành rửa sạch, vớt, hong khô, để ráo là có thể sử dụng được. Quả sẽ ngọt hơn, ngon hơn nếu để ráo khoảng 10 giờ sau khi ngâm.