Vừa qua, Hội đồng KH&CN tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài: “Nuôi thử nghiệm cá trắm đen thương phẩm trong ao tại Lạng Sơn”.
Đề tài “Nuôi thử nghiệm cá trắm đen thương phẩm trong ao tại Lạng Sơn” do Trung tâm Thủy Sản Lạng Sơn triển khai thực hiện từ năm 2014, nhằm đánh giá khả năng thích nghi, sinh trưởng của cá trắm đen trong điều kiện thực tế tại Lạng Sơn. Kết quả của đề tài sẽ là cơ sở khoa học để bổ sung giống cá trắm đen vào cơ cấu giống thủy sản của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng mặt nước, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Trong quá trình thực hiện Đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi thử nghiệm 1.600 con cá trắm đen thương phẩm trong ao bằng thức ăn công nghiệp viên nổi có hàm lượng protein tổng số là 35% và tiến hành đánh giá tỷ lệ sống, khả năng thích nghi, sinh trưởng và năng suất của cá trắm đen tại Lạng Sơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá trắm đen thương phẩm phù hợp nuôi trong điều kiện thực tế của tỉnh Lạng Sơn, cá trắm đen nuôi đơn trong ao dùng thức ăn công nghiệp có tỷ lệ sống trên 85%, nuôi trong thời gian 24 tháng khối lượng trung bình đạt 1.640 g/con, tốc độ sinh trưởng 2,2 g/con/ngày. Cá trắm đen nuôi ghép sinh trưởng chậm hơn, cũng với thời gian nuôi như trên khối lượng trung bình chỉ đạt 696 g/con, bằng 42,4% so với cá trắm đen nuôi đơn.
Từ thành công của việc nuôi thử nghiệm, đã góp phần nâng cao hiểu biết về kỹ thuật nuôi cá trắm đen theo hướng công nghiệp cho hộ nuôi trồng thủy sản. Đây còn là cơ sở để các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tham khảo, lựa chọn và áp dụng mô hình nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình.
Ảnh minh họa.
Cá trắm đen là một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, do đó, sẽ đóng góp một phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị bền vững trong phát triển kinh tế tại địa phương. Với những kết quả đã đạt được, Đề tài được Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá đạt yêu cầu và thống nhất thông qua nghiệm thu.
Theo Sở KH&CN Lạng Sơn