Nhằm phát triển kinh tế địa phương, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) đã quy hoạch vùng sản xuất các cây trồng hàng hóa có giá trị cao, đưa nhiều cây trồng mới vào sản xuất. Trong đó, cây dưa là một trong những cây trồng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao.

Ông Chu Văn Bạo ở xã Khánh Hồng thu hoạch dưa chuột Ảnh: TG

Hiện nay, tại khu vực cánh đồng màu của Khánh Hồng đang trải dài một màu xanh của các loại dưa. Nhiều loại dưa bắt đầu ra hoa, bói quả, nhưng cũng có nhiều giống dưa đã cho bà con nông dân thu hoạch.

Là người tiên phong và mạnh dạn đưa các loại dưa vào thâm canh trên đất màu, ông Chu Văn Bạo, xã Khánh Hồng phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi đã chuyển đổi 1 mẫu ruộng đất màu và đất hai lúa sang trồng dưa các loại. Một năm số lần quay vòng của đất là 4 vụ với các loại như dưa chuột, dưa lê, dưa bở và có thêm mướp đắng. Qua vài vụ thâm canh cây trồng mới, tôi thấy cây dưa cho hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô, lạc...

Đặc biệt là cây dưa chuột, kỹ thuật trồng loại này không khó mà lại cho thu hoạch nhanh nên rất thích hợp để luân canh tăng vụ. Theo đó, chỉ sau một tháng chăm sóc, dưa chuột đã có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng từ 35-40 ngày. Hiện nay, gia đình tôi có 3 sào dưa chuột đang cho thu hoạch, mỗi ngày thu trên 2,5 tạ quả.

Nhẩm tính, ông Bạo cho biết thêm: Như những năm trước 1 sào trồng dưa thu về trên 30 triệu đồng/năm, với 1 mẫu ruộng gia đình ông có lãi trên 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, để cây dưa, nhất là loại dưa đắt tiền như Kim Hoàng Hậu phát triển tốt, quả sai và to, người trồng cần phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật về mặt phân bón, tưới nước hợp lý và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch quả không sử dụng phân hóa học và bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào để đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Trên 2 sào đất màu trồng nhà lưới, dưa Kim Hoàng Hậu của hộ chị Đào Thị Xế đang ra những lứa hoa đầu tiên. Chị Xế cho biết: Những năm trước, gia đình tôi trồng dưa chuột rất sai quả, năng suất cao và hiệu quả kinh tế đạt từ 5-7 triệu đồng/sào/vụ, thậm chí có vụ thị trường khan hàng, gia đình chị thu tới 10 triệu đồng/sào.

Năm nay được Trung tâm ứng dụng công nghệ cao (Sở Nông nghiệp và PTNT) tạo điều kiện hỗ trợ làm nhà lưới, hỗ trợ phân bón và giống, gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Toàn bộ quy trình canh tác cây dưa được thực hiện rất nghiêm ngặt: Không tưới nước bẩn, phân tươi cho cây; bón phân đạm và phun thuốc trừ sâu theo quy trình sản xuất rau, quả an toàn; sử dụng màng phủ nilon nông nghiệp để giúp đất luôn tơi xốp, giữ chất dinh dưỡng không bị rửa trôi, giảm công cày xới, làm cỏ và giảm công tưới nước. Như vậy, toàn bộ sản phẩm sản xuất ra đều đảm bảo an toàn. Hy vọng với vụ dưa mới năm nay, bà con nông dân tiếp tục được mùa, năng suất và hiệu quả cao.

Khánh Hồng là xã thuần nông, do vậy địa phương luôn xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh và tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây trồng hàng hóa có giá trị vào sản xuất. Với phương châm “mùa nào, thức nấy”, nông dân trong xã đã thực hiện các biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại cây rau màu. Hiện nay, diện tích đất màu và một số diện tích đất lúa - màu đã luân canh tăng vụ tới 4 lần/năm.

Nhờ các biện pháp này mà hiệu quả trên một đơn vị diện tích gieo trồng trong xã tăng từ 2 cho đến 3 lần so với những diện tích trồng cây truyền thống. Riêng ở vụ Xuân Hè, cây dưa là cây trồng chính được nhân dân đưa vào sản xuất. Hiện toàn xã có 45ha các loại dưa gồm: dưa bở, dưa chuột, dưa Kim Hoàng Hậu, dưa Kim Cô Nương, dưa lê, tăng 10ha so với năm trước do nhân dân tích cực mở rộng diện tích trên đất hai lúa.

Nhờ phát triển dưa hàng hóa và rau màu các loại, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Khánh Hồng nâng lên, giá trị sản xuất ước đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người của xã Khánh Hồng tăng trên 29 triệu đồng/người/năm. Với việc tích cực triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay kinh tế của xã Khánh Hồng được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù những năm gần đây, diện tích trồng dưa các loại đã liên tục được mở rộng, mang lại thu nhập cao nhưng cây dưa chưa được ký kết bao tiêu sản phẩm. Đến vụ thu hoạch, thương lái tự đến tận nơi mua, còn lại người dân mang ra chợ bán. Đây là một khó khăn lớn vì người nông dân dễ bị ép giá hoặc có tình trạng “được mùa, mất giá”, sản lượng nhiều khó tiêu thụ, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Để tiến tới thâm canh rau màu theo hướng bền vững, ông Chu Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho biết: Trong thời gian tới, xã có hướng vận động nhân dân cùng tham gia liên doanh liên kết với doanh nghiệp trồng các loại cây màu, nhất là cây dưa các loại. Xây dựng mối liên kết “4 nhà”, tạo thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, để nhân dân yên tâm sản xuất.

Đồng thời Khánh Hồng tiếp tục phối hợp với Trung tâm ứng dụng công nghệ cao đưa diện tích màu hơn 10ha của xóm 11, 12, 13 vào xây dựng mô hình trồng rau hàng hóa có ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất: trồng trong nhà lưới, có hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu theo quy trình an toàn... Xã cũng vận động Hội phụ nữ phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh xây dựng mô hình sản xuất rau, quả an toàn quy mô 5ha, từ đó nhân ra diện rộng, giúp chị em phụ nữ về kỹ thuật, tạo mô hình phát kiển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cùng với đó, địa phương phối hợp với các đơn vị, sở, ngành trong tỉnh mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất sản phẩm an toàn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, bước xây dựng thương hiệu dưa và rau an toàn trên địa bàn xã.