Những cây mận hậu cổ thụ trước kia nay chỉ cao ngang đầu người, tỉa bớt cành để chất dinh dưỡng tập trung nuôi quả.

Sơn La hiện có 4.000ha mận, tập trung chủ yếu ở cao nguyên Mộc Châu, tổng sản lượng đạt hơn 40.000 tấn mỗi năm. Mận hậu Sơn La nổi tiếng to ngon, đỏ mọng, ngọt giònnhờ khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi. Ngoài ra, nông dân còn sử dụngkỹ thuật chăm bón và tỉa cành khoa học để tăng kích thước quả.

Mận hậu ngọt giòn là đặc sản nổi tiếng của cao nguyên Mộc Châu. Ảnh: Bizmedia

Để giúp mận hậu phát triển tốt, người trồng bón lót phân NPK và phân hữu cơ quanh gốc cây, vừa giúp cây cân bằng dinh dưỡng, vừa làm đất tơi xốp. Đến tháng 10, cây được bón vôi để phòng trừ sâu bệnh. Tháng 11 thì bắt đầu tỉa cành để lá quang hợp tốt hơn, chất dinh dưỡng trong cây tập trung nuôi quả.

Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và cắt tỉa nên tán cây mận hậu ngày nay xum xuê, thân cây chỉ vừa tầm của người hái.Khi mận ra quả, nông dân sẽ tiếp tục tỉa cành và trái. Công đoạn cuối cùng này giúp quả đạt kích cỡ lớn, hình thức đẹp.

Cuối tháng 3 năm sau, quả mận phát triển to hơn đầu ngón tay, vỏ xanh bao phủ lớp phấn mỏng, vị chua rôn rốt. Đến tháng 5-6, mận bắt đầu chín rộ, cả cao nguyên Mộc Châu bước vào giai đoạn thu hoạch. Khắp các sườn đồi hay trên vách đá cao nguyên, đâu đâu cũng bắt gặp trái mận hậu sai trĩu cành.

Mận hậu chín có màu đỏ tím, quả tròn đều, căng mọng. Sau khi thu hái, mận được tập kết và theo chân các thương lái về xuôi. Loại trái cây này giàu vitamin C, B2, B1... có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, lại có hương vị thơm ngon nên được thị trường ưa thích.Ngoài ăn trực tiếp, có thể làm món dầm chua ngọt, mứt, nước ép...

Tại tổ hợp tác sản xuất và tiêu dùng mận an toàn Mộc Châu (tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn nông trường Mộc Châu), mận hậu được trồng theo quy trình VietGAP và quản lý theo chuỗi từ công đoạn trồng cho tới chăm sóc, thu hái, đóng thùng... Sản phẩm được dám tem điện tử thông minh để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện.

Bà con Sơn La thu hoạch mận. Ảnh: Bizmedia