Kể từ vòng tài trợ Series A cách đây hơn một năm, đến nay công ty đã mở rộng quy mô gấp ba lần với 32 cơ sở trên khắp Việt Nam.

Các học viên khoá MindX
Hiện đã có 35.000 học viên tốt nghiệp từ các chương trình của MindX. Ảnh: MindX

Được thành lập vào năm 2015, MindX là một trong những startup tiên phong ở Đông Nam Á cung cấp chương trình tiếp cận lập trình máy tính toàn diện cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 với lộ trình kéo dài 5 - 10 năm. Công ty cũng xây dựng lộ trình phát triển cho sinh viên và người đi làm, giúp toàn bộ học viên đảm bảo có việc làm tại các công ty công nghệ ngay sau khi tốt nghiệp.

Kể từ vòng tài trợ Series A vào tháng 11/2021, đến nay công ty đã mở rộng quy mô gấp ba lần với 32 cơ sở khắp Việt Nam. Hiện đã có 35.000 học viên tốt nghiệp từ các chương trình của MindX, startup này cũng giúp kết nối học viên với các nhà tuyển dụng ở Úc, Thái Lan, Vương quốc Anh và sắp tới là Hoa Kỳ.

Trên đà phát triển đó, mới đây (ngày 12/4), MindX thông báo rằng họ đã huy động được 15 triệu USD trong vòng tài trợ Series B do Kaizenvest, một công ty cổ phần tư nhân tập trung vào lĩnh vực giáo dục, dẫn đầu. Bên cạnh đó vòng tài trợ còn có sự tham gia của các nhà đầu tư khác như tập đoàn giáo dục Aksorn, tập đoàn nhân sự Nhật Bản Mynavi và Wavemaker Partners - quỹ đầu tư mạo hiểm từng dẫn dắt vòng series A của MindX.

MindX cũng tiếp tục nhận được khoản vay từ quỹ Beacon, công ty đầu tư tác động tập trung vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á.

Các môn học MindX đang giảng dạy bao gồm lập trình website, di động, trò chơi; các môn về khoa học dữ liệu; thiết kế UI/UX và trí tuệ nhân tạo v.v Chương trình học được thiết kế riêng cho từng độ tuổi. Người học được lựa chọn các khóa học ngắn hạn để nhập môn, hoặc lựa chọn các lộ trình dài được đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp. Các khóa học có thời lượng từ hai tháng đến sáu năm.

Hiện tại, MindX đang bắt đầu mở các cơ sở tại Hạ Long, Đà Nẵng và Biên Hòa, với mục tiêu bao phủ 45 thành phố vào tháng 6.

Trả lời Techcrunch, nhà sáng lập Nguyễn Thanh Tùng nhận định việc điều chỉnh khoá học sao cho phù hợp với nhu cầu của từng khu vực là việc quan trọng. Khi đến một tỉnh thành mới, đội ngũ của MindX sẽ dành nhiều tháng để đến thăm và trò chuyện với học sinh lẫn phụ huynh. Sau đó, họ tùy chỉnh các dịch vụ, sản phẩm của mình dựa trên những nhu cầu và góp ý.

Hầu hết các cơ sở của MindX đều vận hành độc lập, điều này giúp họ kiểm soát chương trình giảng dạy và chất lượng giảng dạy hiệu quả hơn. Trước khi đại dịch xảy đến, tất cả các lớp học của MindX đều là lớp học trực tiếp. Trong thời kỳ đại dịch, MindX chuyển sang mô hình kết hợp (hybrid), học viên có thể tham gia trực tiếp (offline) các lớp học tại cơ sở hoặc học trực tuyến (online) ở nhà. Điều này đã giúp công ty tiếp cận những học viên mới ở vùng sâu vùng xa.

Đội ngũ sáng lập MindX. Ảnh: MindX
Đội ngũ sáng lập MindX. Ảnh: MindX

Một điểm khác biệt giữa MindX và các edtech khác là startup này tập trung vào việc giúp học viên sẵn sàng đáp ứng công việc mới (MindX hiện có hơn 300 đối tác tuyển dụng). Chẳng hạn, công ty có sẵn các dự án thực tế, các cuộc trò chuyện về nghề nghiệp và các cuộc phỏng vấn giả định cho học viên. Họ cũng tổ chức Ngày hội giới thiệu, tại đây doanh nghiệp sẽ đánh giá các dự án của sinh viên.

Công ty cho biết sẽ dùng khoản tài trợ vào việc phát triển các sản phẩm, mô hình kết hợp, chương trình được chứng nhận và thúc đẩy bình đẳng giới trong các khóa học thông qua việc cung cấp học bổng cho học viên nữ.