Cuộc thi do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp & Nghề công tác xã hội Việt Nam (VAVET) tổ chức dành cho sinh viên từ 18 đến 22 tuổi đang học tại các trường đại học, cao đẳng và học viện trên toàn quốc.

Giải thích về ý nghĩa Cuộc thi tranh biện Giao thông Xanh, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nói rằng, với thực trạng giao thông vận tải đóng góp đáng kể vào tổng lượng phát thải khí nhà kính CO2, các bạn trẻ “không thể đứng ngoài quan sát mà hãy tham gia tích cực để giải quyết những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Cuộc thi tranh biện là một cơ hội tốt để khơi dậy niềm đam mê của mỗi người trong việc tham gia chung tay xây dựng một tương lai xanh hơn và sạch hơn”.

Được phát động từ đầu tháng 2/2023, Cuộc thi đã thu hút được 28 đội từ 21 trường đại học, cao đẳng lớn trên toàn quốc.

Ban tổ chức tặng chứng nhận tham gia cuộc thi cho các thí sinh. Ảnh: Đại học Giao thông Vận tải
Ban tổ chức tặng chứng nhận tham gia cuộc thi cho các thí sinh. Ảnh: Đại học Giao thông Vận tải

Vòng thi miền Bắc đã diễn ra vào ngày 1/3 tại trường Đại học Giao thông Vận tải và được phát trực tiếp trên facebook. Có 12 đội thi đấu, chia làm 6 cặp thi. Mỗi đội được bốc thăm để chọn một trong 4 chủ đề/luận điểm do ban tổ chức đưa ra để bày tỏ ý kiến ủng hộ:
  • Phương tiện giao thông chạy điện và giao thông xanh được coi là một công nghệ đầy hứa hẹn và là giải pháp hấp dẫn cho giao thông carbon thấp, đóng vai trò quan trọng trog việc đạt được các mục tiêu chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông.
  • Xu hướng sử dụng xe điện và phương tiện giao thông xanh đang gia tăng trên toàn cầu khi người tiêu dùng lựa chọn các phương thức giao thông bền vững và thân thiện với môi trường.
  • Thế hệ trẻ sẽ đóng góp lao động chính, tạo động lực cho sự thay đổi phương tiện chạy điện và giao thông xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường đô thị và giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
  • Việc chuyển đổi sang xe điện, giao thông xanh có thể coi là động lực chính để tạo ra việc làm mới và một nền kinh tế xanh, bền vững hơn.
Đội liền kề sẽ phản biện chủ đề đó.

Kết quả, BTC đã chọn được 2 đội miền Bắc vào chung kết là đội BK-AUTO từ Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội và đội Nữ hoàng Công nghệ gồm sinh viên từ các trường Đại học Ngoại ngữ , Đại học FPT và Học viện Ngân hàng.

Dự kiến, vòng miền Trung sẽ diễn ra ở Thừa Thiên - Huế vào ngày 6/3 và vòng miền Nam tại TPHCM vào ngày 10/3. Mỗi vòng sẽ chọn ra hai đội thi có điểm cao nhất vào vòng chung kết được tổ chức vào ngày 15/3 ở Hà Nội.

Cuộc thi tranh biện này là một trong nhiều hoạt động của dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.

Tại Việt Nam, ngành giao thông vận tải đóng góp đáng kể vào tổng lượng phát thải khí nhà kính. Theo Bộ Giao thông vận tải, năm 2019 ngành giao thông vận tải phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 tương đương, dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành.

Ngoài việc phát thải lớn lượng khí nhà kính, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn tạo ra khối lượng lớn vật chất rắn và hạt bụi mịn (PM2,5), có thể gây ung thư và rối loạn hô hấp nghiêm trọng cùng các vấn đề sức khỏe khác cho con người.

Tháng 7/2022, Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí carbon và metan trong ngành GTVT, nhằm chuyển đổi sang việc sử dụng nhiên liệu sang điện và năng lượng xanh cho tất cả các phương tiện giao thông và thiết bị để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Giao thông xanh gồm các loại hình giao thông phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường như đạp xe, đi bộ, giao thông công cộng, xe điện.