Bụi đường là một nguồn góp phần tạo ra các hạt bụi mịn nên việc tìm hiểu về sự phân bố theo không gian của thủy ngân là một cách hiệu quả để đánh giá các nguồn cung thủy ngân tiềm năng vào các hạt bụi.

Do đó, TS. Nguyễn Lý Sỹ Phú (Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu về các đặc tính của thủy ngân trong bụi đường ở các khu vực khác nhau (công nghiệp, đô thị…) tại TP.HCM, qua đó tìm hiểu khả năng sử dụng sự phân bố theo không gian của kim loại này để xác định ô nhiễm thủy ngân, dò các điểm nóng ô nhiễm thủy ngân tại TP.HCM.

Từ ba điểm lấy mẫu, các nhà nghiên cứu đã thu thập được 96 mẫu trong những ngày không mưa ở năm 2020. Kết quả phân tích bằng máy sắc ký khối phổ cho thấy, trung bình nồng độ thủy ngân trong bụi đường là 0,132 ± 0.182 mg kg−1 (n = 96) và nồng độ thủy ngân ở khu công nghiệp cao gấp 1, 6 đến 6 lần so với hai khu vực còn lại. Điều này cho thấy nguồn gốc của thủy ngân trong bụi đường chủ yếu là từ công nghiệp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là thông tin quan trọng để làm cơ sở có những chính sách quản lý môi trường quốc gia.

Kết quả của nghiên cứu được nêu cụ thể trong “Street dust mercury levels among different land-use categories in Ho Chi Minh city, Vietnam: Source apportionment and risk estimation”, xuất bản trên tạp chí Atmospheric Pollution Research.