“Khởi nghiệp luôn thách thức và khó khăn, cho nên nếu thực sự yêu thích, có ý chí, tinh thần mãnh liệt hãy khởi nghiệp”

Đó là chia sẻ của Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh với Khoa học và Phát triển, ngay sau Buổi giao lưu và giới thiệu tác phẩm “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” do ông là tác giả, được tổ chức ngày 22/12, tại TPHCM.

Phan Minh Thông được gọi là “vua hồ tiêu” bởi Công ty Cổ phần Phúc Sinh do ông sáng lập hiện chiếm tới 8% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu trên toàn thế giới. Phúc Sinh xuất khẩu tiêu đến Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Italy… Nguồn hồ tiêu được thu mua từ Việt Nam, Indonesia… Tính đến cuối năm 2016, Phúc sinh đạt doanh số xuất khẩu 300 triệu USD, tiếp tục giữ vị trí số 1 về số lượng hàng xuất khẩu lẫn giá trị kim ngạch trong ngành hạt tiêu.

Ông Phan Minh Thông (ở giữa) cùng với ông Huỳnh Dũng Nhân và Phan Hoàng đang giao lưu - giới thiệu về tác phẩm
Ông Phan Minh Thông (ở giữa) cùng với ông Huỳnh Dũng Nhân và Phan Hoàng đang giao lưu - giới thiệu về tác phẩm. Ảnh: Ngọc Lý.

Một cuốn sách đặc biệt về khởi nghiệp

Cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” được Phan Minh Thông viết trong 5 năm, xuất phát từ những cảm xúc thực tế với các chuyến đi công tác trong - ngoài nước, từ những câu chuyện làm ăn, kinh doanh và quan sát cuộc sống đến việc thực nghiệm chính bản thân trong niềm đam mê khám phá nghệ thuật ở cả hai giác độ: Sưu tập và sáng tạo.

Tâm niệm của ông khi ra mắt ấn phẩm không phải là “lập thân” với văn chương, bởi ông đã thành công nhất định trong lĩnh vực kinh doanh với vị trí nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, mà là chia sẻ những cảm xúc của mình và hy vọng có thể đóng góp một góc nhìn “nho nhỏ”, đầy tình yêu, thiện duyên với cuộc sống.

Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” gồm 3 phần: I - Câu chuyện kinh doanh; II - Suối nguồn sáng tạo; III - Bạn và tôi.

Trong đó, phần I tập trung vào chia sẻ các câu chuyện cụ thể về quá trình khởi nghiệp và kinh doanh.

Phần II của cuốn sách là những chia sẻ của một doanh nhân về cuộc sống trong đó tác giả đã kể về thú sưu tập tranh và những câu chuyện mang cả nỗi niềm và trăn trở của một doanh nhân. Đặc biệt, trong phần II, câu chuyện về Phụ nữ Việt được anh viết tặng Phụ nữ Việt Nam, trong đó có Mẹ, Vợ, đồng nghiệp, bạn và những phụ nữ khác.

Phần III là tập hợp một số bài Báo viết về chân dung “Vua hồ tiêu” và phỏng vấn tác giả đã được đăng trên các báo, cùng các phụ lục Nghệ thuật. Mỗi độc giả có thể tìm cho mình một góc quan tâm khác nhau hữu ích cho công việc hay đời sống tâm hồn, từ kinh doanh đến nghệ thuật.

Ông Phan Minh Thông đang ký tặng cho độc giả mua sách
Ông Phan Minh Thông đang ký tặng cho độc giả mua sách ngay tại buổi giao lưu và giới thiệu tác phẩm.Ảnh: Ngọc Lý.

Sáng tạo ở mọi lúc - mọi nơi!

Kinh doanh luôn là một sự đấu trí và sự sáng tạo. Ở Câu chuyện kinh doanh, doanh nhân Phan Minh Thông đã chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh kể cả những thành công và những dấu mốc khó khăn mà ông đã may mắn vượt qua bằng lối viết dung dị và gần gũi. Từ câu chuyện No1 và chuyện kinh doanh hạt tiêu, kể về những ngày tháng lập nghiệp trong ngành nông sản với những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua và đưa Phúc sinh chiếm lĩnh vị trí số một về xuất khẩu tiêu. Những bí quyết về kinh doanh và lý do ông chuyển sang sản xuất và kinh doanh cà phê sạch ngay tại nội địa và không tập trung vào mặt hàng như cơm dừa… cũng được chia sẻ trong Ngọt – đắng vị cà phê Có một thời cơm dừa sấy khô….

Câu chuyện: Tôi đi đòi nợ kể về việc giao dịch và đòi tiền với một đối tác Tây Ban Nha - khi khoảng cách địa lý cùng với sự khác biệt về ngôn ngữ là cản trở, buộc người làm kinh doanh phải vận dụng sáng tạo cùng với sự bền bỉ và niềm tin mãnh liệt để cuối cùng cả 2 bên cùng hái quả ngọt.

Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khi nhận xét về câu chuyện này cũng đã nói: Quả là không biết cách đòi nợ thì không làm sao kinh doanh được. Ông nhấn mạnh: “ Tôi đi đòi nợ đã xứng đáng để đọc!”.


Nếu như một số người có định kiến về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thì câu chuyện của Phan Minh Thông về Duyên nợ Vietcombank sẽ mang đến một góc nhìn khác về sự hỗ trợ, đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp “nở” ra cùng ngân hàng.

Nhận xét về Câu chuyện kinh doanh, Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo đã viết trong lời tựa: “Nó thấm đẫm mồ hôi nước mắt và sự lo âu, quyết đoán, nó có những con số 0 cay đắng, có dấu âm trừ kinh hoàng và có những dãy số hàng trăm triệu kim ngạch xuất khẩu chói lọi của người con đất Cảng tuổi mới nhích qua con số 40”.

Cùng với những câu chuyện chia sẻ bí quyết kinh doanh và những góc nhìn của một doanh nhân về cuộc sống, Phan Minh Thông cũng trăn trở với những vấn đề kinh tế - xã hội: quản lý nhà nước làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp, quản lý vỉa hè…Với “máu” doanh nhân, anh cũng rất tâm tư để phát triển được ngành kinh doanh tranh Việt…

Phan Minh thông cho rằng, thông qua những câu chuyện được kể thì sáng tạo là không giới hạn. Ông nói: “Khi Anh ở đáy xã hội thì luôn có một cách nào đó để vượt qua. Đó chính là sáng tạo không giới hạn!"

Chia sẻ tại buổi giao lưu và giới thiệu tác phẩm, Bà Trương Thị Thuý Nga – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) mong muốn: “Sẽ có nhiều doanh nhân viết, để chia sẻ với những người đi sau tránh được những khó khăn, làm cho đất nước giàu đẹp hơn!