Nếu chỉ được chọn một chữ, ông Phan Minh Thông chọn từ “sáng tạo” làm giá trị cốt lõi của Phúc Sinh Corp. Đây cũng là nguồn gốc tạo ra khối tài sản vô hình mà theo “vua hồ tiêu” là đang chiếm tới 80% tổng tài sản của doanh nghiệp đang tham gia thương mại toàn cầu này.

75 nhân sự, doanh thu 250 triệu USD

“Tôi vẫn nói vui với nhân viên của mình rằng, Phúc Sinh chẳng có gì. Văn phòng thì phải đi thuê, còn vài cái bàn, mấy máy tính này thì ai chả mua được” - ông Phan Minh Thông vui vẻ nói về tài sản hữu hình của công ty và nói thêm rằng trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Phúc Sinh xây từ một đến hai nhà máy chế biến nông sản.

Cách nói có phần thậm xưng của vị chủ tịch công ty không hẳn vô lý, khi doanh nghiệp này khởi nghiệp ở sàn thương mại toàn cầu về hồ tiêu và doanh thu từ thương mại đang chiếm tỉ trọng lớn.

Chủ tịch Công ty cổ phần Phúc Sinh Phan Minh Thông. Ảnh: Quý Hòa

Kể về con đường lập nghiệp và tư duy mở, ông Phan Minh Thông chia sẻ: “Ban đầu công ty xuất khẩu tiêu từ Việt Nam. Sau rồi người Phúc Sinh tự hỏi tại sao không bán tiêu của Indonesia, Brazil… Thế là công ty bán tiêu của Việt Nam, Indonesia, Brazil khắp thế giới. Tiến đến, người Phúc Sinh suy nghĩ về việc bán ớt, quế, hồi, gạo dừa, càphê… Vậy là giờ chúng tôi là nhà buôn bán hàng nông sản. Và chỉ với 75 nhân sự, doanh thu của Phúc Sinh năm 2015 đạt 250 triệu USD”.

“Để làm thương mại, công ty gửi nhân viên đi khắp các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ để kinh doanh, tham gia các hội chợ và gặp gỡ khách hàng. Người Phúc Sinh đã hiểu rõ về văn hóa, về con người Đức và Hà Lan rất khác nhau, pizza của Italy và Tây Ban Nha cũng mỗi nơi một vẻ… Điều này cho phép Phúc Sinh mở kho tiêu tại Đức và cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Âu. Hiện giờ, việc công ty đã trở thành trung tâm chứng từ thanh toán cho các nước khác là chuyện bình thường” - ông Thông tự hào về giá trị con người của Phúc Sinh.

“Số nhân viên vào và rời khỏi Phúc Sinh là một lượng khổng lồ. Không ít nhân viên của công ty ra ngoài lập các doanh nghiệp thương mại; nhưng đó là cuộc chơi và phải chấp nhận. Quan trọng là mình luôn luôn phải sáng tạo. Mình không để kiến thức thành chuỗi để một người có thể nắm toàn bộ. Hơn nữa, Phúc Sinh liên tục cải tiến về dịch vụ tài chính, mối quan hệ với khách hàng, nguồn hàng… để duy trì lợi thế. Uy tín công ty trên thị trường cũng là tài sản mà một doanh nghiệp mới không thể có trong ngày một ngày hai. Chúng tôi có thể vay hàng trăm tỷ đồng mà không cần thế chấp, có thể lấy hàng trước, trả tiền sau. Điều đó cũng giúp chúng tôi giảm chi phí” - ông Thông nói về việc quản trị nhân sự của doanh nghiệp.

Sáng tạo ngay từ cách phàn nàn

“Sáng tạo là để kiếm tiền. Đừng nghĩ rằng bạn làm trong một phòng nhỏ hay bộ phận back office (hành chính, văn phòng – PV) là không sáng tạo được. Nếu chúng ta sáng tạo thì chúng ta sẽ sống khỏe, giữ được sự thoải mái vì sáng tạo sẽ cho mình có nguồn lực tài chính để làm việc đó. Nếu không sáng tạo mà copy của người khác sẽ rất vất vả” - ông Thông chia sẻ cách hiểu về sáng tạo.

Hồ tiêu - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Phúc Sinh.

Sáng tạo - theo ông Thông - cũng là sự chăm chỉ, tự tin và luôn nhìn mọi thứ một cách tích cực. “Tích cực thêm một chút thì cuộc sống dễ chịu. Trong mọi cuộc chiến, cả hai bên đều bị stress” – ông Thông vui vẻ.

Ông nói ở thời đại của Facebook như hiện nay, mười người “tút” thì đến chín là để phàn nàn: “Người Việt Nam mình trong nước cũng dữ dội nhưng ra nước ngoài thì hiền vô cùng, lại thiếu tự tin và hay lưỡng lự. Người mình cũng hay phàn nàn, hay nói do cơ chế mà chưa làm được việc này, việc kia. Ở Phúc Sinh, ban đầu mọi người cũng hay phàn nàn. Sau rồi, mình ra quy định là mỗi lời phàn nàn phải kèm theo một giải pháp, thế là số phàn nàn giảm tới 95%”.

Tiếp xúc với “vua hồ tiêu”, dù lần đầu, cảm nhận nguồn năng lượng từ doanh nhân vừa bước qua tuổi 40, người viết bị ấn tượng bởi sự tự do qua cách nói chuyện, nét cười hồn hậu. “Vấn đề là ở tư duy. Mọi người thường tự giới hạn mình trong một khuôn khổ nào đó. Cởi bỏ mọi giới hạn thì sao? Mọi thứ đều có thể, đúng không?” – ông Thông hỏi lại nhưng như thể nói về tài sản vô hình trong mỗi con người.

Ông Phan Minh Thông được gọi là “vua hồ tiêu” bởi Phúc Sinh Corp. do ông sáng lập hiện chiếm tới 8% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu trên toàn thế giới. Phúc Sinh bán tiêu đến Mỹ, Đức, Italy, Thụy Sĩ… và nguồn hồ tiêu được thu mua từ Việt Nam, Indonesia, Brazil… Năm 2015, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh, Phúc Sinh Corp. - chỉ với 75 nhân sự - đạt doanh thu 250 triệu USD.