Trong nghiên cứu mới, tác giả Võ Thị Lệ Hà, Viện KH&CN Môi trường (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và cộng sự ở Viện KH&CN Môi trường, trường Đại học Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đã tìm hiểu tác động của PM2.5 đối với sức khỏe người đi xe đạp và xe máy tại một số tuyến đường Hà Nội.
Trong nghiên cứu mới “Đánh giá phơi nhiễm cá nhân bởi bụi mịn khi tham gia giao thông ở Hà Nội”, xuất bản trên tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, tác giả Võ Thị Lệ Hà, Viện KH&CN Môi trường (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và cộng sự ở Viện KH&CN Môi trường, trường Đại học Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đã tìm hiểu tác động của PM2.5 đối với sức khỏe người đi xe đạp và xe máy tại một số tuyến đường Hà Nội.
Họ đã đo nồng bộ phơi nhiễm bụi cá nhân bằng thiết bị đo bụi cảm biến Airbeam vào các cao điểm ùn tắc giao thông vào 7 đến 8 giờ sáng và 5 đến 6 giờ chiều trên các tuyến đường chính như Nguyễn Trãi – Giải Phóng, các tuyến đường quanh hồ Hoàn Kiếm và đường quanh Lăng Bác cũng như đường trong khu vực Vinhome... Kết quả cho thấy, nồng độ PM2.5 phơi nhiễm dao động lớn trong giờ cao điểm, trong đó nồng độ bụi PM2.5 cao vào buổi sáng và giảm dần vào buổi chiều. Trong bối cảnh đó, người đi xe đạp phải hứng chịu không khí có nồng độ của PM2.5 là 105 µg/m3, cao hơn người đi xe máy 95 µg/m3. Qua so sánh với một số công bố tương tự ở Ấn Độ và Trung Quốc thì mức độ phơi nhiễm của người đi xe máy Hà Nội thấp hơn so với Ấn Độ còn người đi xe đạp thì cao hơn so với Trung Quốc.
Vào đầu năm nay, nghiên cứu của PGS. TS Trần Ngọc Quang (ĐH Xây dựng Hà Nội) và cộng sự đã cho thấy, người đi xe máy có mức phơi nhiễm carbon đen cao hơn so với người đi xe buýt và ô tô. Những nghiên cứu như thế này sẽ góp phần đem lại bức tranh rõ nét hơn về tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người.
Anh Vũ