40 năm qua, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã có nhiều thành tựu trong các lĩnh vực cải tạo đất, môi trường, thủy lợi phục vụ thủy sản, dự báo nguồn nước các lưu vực sông; chỉnh trị sông, bảo vệ bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tại; ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng thủy lợi;…
Ngày 30/11, tại TPHCM, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện (1978 – 2018).
40 năm xây dựng và phát triển, những kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam hầu hết đều gắn bó chặt chẽ, giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng thủy lợi, quản lý khai thác tài nguyên nước phục vụ phát triển KT – XH, phòng chống thiên tại, bảo vệ môi trường ở các tỉnh phía Nam.
Chỉ tính trong khoảng 10 năm gần đây, Viện đã thực hiện 28 nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia, 30 nhiệm vụ cấp bộ, 8 dự án hợp tác quốc tế, 50 nhiệm vụ cấp địa phương, 50 nhiệm vụ cấp cơ sở.
Đồng thời, Viện cũng chủ trì, tham gia nhiều dự án quan trọng như: chống ngập TPHCM; Đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; Nghiên cứu sạt lở ven biển ĐBSCL; Cống Cái Lớn – Cái Bé; Giám sát xâm nhập mặn ven biển ĐBSCL;…
Các kết quả nghiên cứu của Viện tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực cải tạo đất, môi trường, thủy lợi phục vụ thủy sản, dự báo nguồn nước các lưu vực sông; chỉnh trị sông, bảo vệ bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tại; ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng thủy lợi;…
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như Nghiên cứu giải pháp cải tạo đất phèn chua ở ĐBSCL, góp phần tăng sản lượng lương thực của ĐBSCL từ 15 triệu tấn trước những năm 90 lên trên 25 triệu tấn/năm gần đây; Dự báo xâm nhập mặn trên các hệ thống kênh rạch chính vùng ĐBSCL trong các tháng mùa khô hàng năm bằng các công cụ tính toán mới; Ứng dụng thành công phụ gia diatomit chống ăn mòn bê tông vùng ven biển; Nghiên cứu sử dụng cọ bản bê tông dự ứng lực trong xây dựng thủy lợi ở ĐBSCL, giải pháp được cấp bằng độc quyền sáng chế;…
Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu thành công kết cấu đập di động nhằm thay thế đập thời vụ ngăn mặn cho các tỉnh ĐBSCL. Đây là công nghệ mới bằng vật liệu gọn nhẹ, dễ di chuyển, vận hành đơn giản đã được áp dụng tại Kiên Giang. Hiện nay, Viện đang nghiên cứu và phát triển mô hình sóng triều Biển Đông, phục vụ xây dựng các hệ thống thủy lợi ven biển và các công trình bảo vệ bờ biển.
PGS.TS. Trần Bá Hoằng – Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, để đạt được những kết quả trong 40 năm qua là tập thể cán bộ của Viện qua các thời kỳ luôn “đoàn kết nội bộ vì sự nghiệp chung, quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, mở rộng mối quan hệ hợp tác để có thể tiếp cận với thành tựu KH&CN hiện đại trên thế giới".
Kiều Anh