Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể trở thành một phiên bản châu Á của Hà Lan – vùng đất thấp hơn mực nước biển, nếu không có các biện pháp hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.
Sụt lún ven sông ở ĐBSCL. Nguồn: baocantho.com
“Toàn bộ tỉnh Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập niên tới.” – Đây là những lời cảnh báo của Viện Địa kỹ thuật hoàng gia Na Uy (NGI) cho Việt Nam hồi năm 2013, trong hội thảo công bố giai đoạn 1 dự án “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau” phối hợp với Bộ NN-PTNT. Dữ liệu vệ tinh của họ cho thấy trong 20 năm qua, bờ biển, đặc biệt là bờ Đông Cà Mau đã bị lùi vào từ 100 – 1.400m. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng châu thổ rộng thứ ba thế giới, đóng góp đến hơn 50% sản lượng gạo và thủy sản toàn quốc, đang chìm dần và trở thành nơi khó sinh sống hơn, do tình trạng sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của NGI, chỉ riêng tại Cà Mau, độ sụt lún đã lên đến 70cm ở nhiều nơi và có có thể đạt từ 80 tới 150cm trong vòng hai thập kỷ tới. Và vì chỉ cao hơn mực nước biển từ 1 đến 1,5m, Cà Mau hoàn toàn có khả năng bị xóa sổ, kế đến là các tỉnh ven biển lân cận.
Tại hội nghị Khoa học và Công nghệ chuyên ngành Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (24/8/2018) GS.Tăng Đức Thắng Phó giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, nhận xét các hệ thống đồng bằng thấp như ĐBSCL được bồi đắp từ trầm tích của các con sông nên đất mềm yếu, dễ bị xói, sạt, trượt và tan rã. Chỉ trong thập kỷ qua, 85% các đồng bằng châu thổ lớn trên thế giới đã phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng, khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Và dù các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự sụt lún ở nhiều đồng bằng rộng lớn, mãi đến năm 2014, mới có duy nhất một công bố về những bằng chứng ít ỏi đầu tiên rằng ĐBSCL, nơi có diện tích khoảng 55.000 km2, đang chìm. Sử dụng công nghệ InSAR (Radar khẩu độ tổng hợp giao thoa ), nhóm nghiên cứu do nhà địa chất thủy văn Laura Erban tại ĐH Stanford (California) dẫn dắt, đã đo đạc được tốc độ sụt lún trung bình từ 1 – 4,7cm/năm, và công bố trên Environmental Research Letters.
Mỗi năm lún 1cm do khai thác nước ngầm
Để hiểu hơn về tình trạng sụt lún ở ĐBSCL, năm 2015 trường Đại học Cần Thơ đã cùng với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Liên Đoàn Địa chất Thủy văn và Khoa Khoa học Trái đất, thuộc ĐH Utretch (Hà Lan) bắt tay thực hiện “Chiến lược thích ứng với sụt lún và đô thị hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam nhằm ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn gia tăng” (RISE&FALL) – một dự án có tổng ngân sách 1 triệu USD và kéo dài trong 5 năm.
Chỉ sau gần một năm điều tra, các nhà khoa học nhận thấy có hai tác nhân chính gây ra tình trạng sụt lún: những đê bao sông – đã ngăn chặn trầm tích từ sông vào bồi đắp cho đồng bằng; và hơn một triệu giếng khoan nước ngầm được khai thác từ những năm 1980, làm giảm áp lực nước lỗ rỗng và gây nén lớp trầm tích ở hệ thống tầng ngậm nước, thể hiện dưới dạng lún đất của bề mặt đồng bằng. Trả lời phỏng vấn tạp chí Science trong buổi họp khởi động dự án Rise & Fall tại Cần Thơ, nhà nghiên cứu địa chất EstherStouthamer(ĐH Utrecht)cho biết dù còn ảnh hưởng từ một số yếu tố khác như nền đất bị nén do sức nặng từ các công trình hạ tầng, xâm nhập mặn làm suy yếu liên kết hóa học giữa các hạt đất, làm cho các lớp đất dễ bị nén hơn; nhưng “nước ngầm có lẽ là nguyên nhân chính”. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu về sụt lún tại nhiều đồng bằng châu thổ khác như sông Hoàng Hà, Chao Phraya, Tô Châu, Thượng Hải, Jakarta: khai thác nước ngầm là tác nhân chính.
Ý tưởng “nước ngầm là thủ phạm chính gây ra tình trạng sụt lún” rất nhạy cảm, bởi nó động chạm đến một trong những yếu tố sống còn ở vùng đồng bằng có tới 65% diện tích được sử dụng cho nông nghiệp. Tại ĐBSCL, nước ngầm đang là nguồn cung chính cho nhu cầu về nước ngọt ngày càng gia tăng nhanh chóng sau Đổi mới, nhờ vào kích thích canh tác, đô thị hóa và công nghiệp hóa, cùng với việc nước mặt thường bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn. Ngày nay hơn một triệu giếng nước ngầm đã được khoan nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài ra, việc phát triển nuôi thủy sản cũng góp phần đáng kể khi chủ trang trại bơm nước ngầm để làm ngọt ao, khử mặn. Trong 27 năm qua, do khai thác tăng mạnh, tài nguyên nước ngầm ở ĐBSCL giảm 26cm/năm. Tốc độ suy giảm các đầu thủy lực (tức mực nước ngầm) là khoảng 30m/năm, dựa trên dữ liệu chuỗi thời gian từ 79 giếng giám sát tại 18 địa điểm. Sự nén chặt của các lớp trầm tích ở các vị trí này được tính toán là gây lún đất với tốc độ trung bình 1,6cm/năm.
Bằng chứng về giảm mực nước ngầm gây sụt lún ở các điểm quan sát đã rõ ràng, tuy nhiên, để có thể khẳng định trên quy mô toàn bộ vùng ĐBSCL lại không đơn giản. Vì các phương pháp đo lường truyền thống như InSAR gặp nhiều hạn chế, các nhà nghiên cứu của Rise & Fall phải sử dụng một cách tiếp cận hoàn toàn mới - mô hình số liệu thủy văn và lún đồng bằng 3D đầu tiên của ĐBSCL, để so sánh sụt lún liên quan đến khai thác nước ngầm và tổng sụt lún InSAR. Với mô hình mới, nhóm ước lượng rằng hiện tốc độ sụt lún trung bình liên quan đến nước ngầm ở ĐBSCL nằm trong khoảng 1,1cm/năm, có những địa phương lên tới hơn 2,5cm/năm. Tại TP HCM, tốc độ sụt lún là khoảng 7cm/năm. Như vậy, khai thác nước ngầm đã khiến ĐBSCL chìm trung bình khoảng 18cm trong hơn 25 năm qua. Nếu tiếp tục khai thác với tốc độ hiện tại, đất sẽ lún khoảng từ 35 đến 140cm vào năm 2050, cộng với mực nước biển dâng khoảng 10cm/năm sẽ tăng rủi ro ngập lụt, bão dâng. Nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL có thể trở thành một phiên bản châu Á của Hà Lan – vùng đất thấp hơn mực nước biển, được bảo vệ bởi những con đê cao.
Nước ngầm không thể miễn phí
Các kết quả đo đạc này nghiêm trọng hơn nhiều so với dự tính ban đầu của nhóm nghiên cứu dự án Rise&Fall. Tốc độ sụt lún lên tới 1-3cm/năm và tiếp tục tăng, khiến ĐBSC - mảnh đất màu mỡ là nơi ở của hơn 20 triệu người và sản xuất lương thực cho gần 200 triệu người khác, vốn chỉ cao hơn 1-2m so với mực nước biển, phải đối mặt với thảm họa lớn, nếu không có các biện pháp ngăn chặn. Vì lý do này, sụt lún đồng bằng nên là một vấn đề ưu tiên khi hoạch định chính sách phát triển tổng thể, đặc biệt là các chiến lược chính sách nhằm hạn chế sụt lún do khai thác nước ngầm.
Thực tế, dự báo về việc khai thác nước ngầm quá mức đã diễn ra từ lâu. Ngay từ năm 2008, báo cáo của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước cho miền Nam Việt Nam (DWPRIS) đã chỉ ra là nhu cầu về nước ngầm đang tăng khoảng 10%/năm. Dự kiến đến năm 2020, tổng nhu cầu nước ngầm cho tất cả các hạng mục dự kiến là khoảng 5 triệu m3. Tuy nhiên, tổng dự trữ nước ngầm ước tính hằng năm chỉ là 4,5 triệu m3, tương đướng 88% nhu cầu dự kiến. Điều này nhanh chóng dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức.
“Việt Nam nên ngừng khai thác nước ngầm càng sớm càng tốt,” ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về Nước và Khí hậu của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan đề xuất, trong buổi công bố báo cáo Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long (2/6/2017) -“Thay vì sử dụng nước ngầm, cần đầu tư nhiều hơn vào việc cải tạo kênh để giúp nông dân có nước sạch để canh tác.”
Khuyến nghị của ông Kompier dựa trên cơ sở rằng nước dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp ở các vùng nông thôn ở ĐBSCL chiếm đến gần 80% khối lượng nước ngầm được khai thác. Trong khi nước cho các đô thị và khu công nghiệp phải có giấy phép khai thác, các giếng khoan nhỏ ở nông thôn, do các hộ tự quản lý và khai thác lại đang diễn ra một cách tự phát, khó quản lý. Do vậy, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức thường diễn ra ở nhóm đối tượng này, người dân khai thác ồ ạt, không kiểm soát khối lượng do Chính phủ Việt Nam không tính phí cho lượng nước sử dụng.
Hiện tại việc hạn chế việc khai thác nước ngầm tự phát của hộ gia đình vẫn chưa được chú trọng. Trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc và tính thêm cả TP HCM, mới chỉ mới có TP HCM ra Quyết định số 69/QĐ-UBND nhằm hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất ở một số khu vực trên địa bàn thành phố vào năm 2007. Tuy nhiên, các quy đình này vẫn không được tuân thủ chặt chẽ, tình trạng khai thác nước ngầm trái phép vẫn diễn ra phổ biến; dù quy định rất cụ thể về khu vực nào hạn chế, cấm và ở mức độ nào. Luật Tài nguyên nước 2010 cung cấp khung pháp lý để tính phí sử dụng nước ngầm cho mục đích thương mại, nhưng các công ty chỉ phải trả tiền một lần cho phí đăng ký và đánh giá. Họ không phải trả tiền cho khối lượng nước ngầm sử dụng, trong khi chi phí xử lý nước ngầm trung bình khoảng 600VNĐ/m3, so với 11.265VNĐ/m3 của nước máy bơm. Chi phí sử dụng quá thấp, thậm chí là bằng không như vậy dẫn đến tình trạng người dùng không có động lực để sử dụng nước ngầm hiệu quả.
Để đối phó với tình trạng này, trong hội nghị Động lực tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm của Việt Nam (29/8/2018), TS Lê Việt Phú, ĐH Fulbright Việt Nam đề xuất cần phải coi nước là hàng hóa khan hiếm và người dùng phải trả giá để được sử dụng nước, theo đúng giá trị gia tăng mà nó tạo ra cho xã hội. Tính phí sử dụng nước ngầm sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm bừa bãi, lãng phí. Nghiên cứu của TS. Phú về Giá trị của nước ngầm phục vụ tưới tiêu ở Việt Nam đã ước tính ra mỗi hectare tiêu tốn khối lượng nước ngầm có giá trị là 6,32 triệu VNĐ/năm, tương đương khoảng 1/3 thu nhập ròng trên mỗi ha đất. Như vậy, tổng giá trị của nước ngầm cho tưới tiêu nông nghiệp không thấp hơn 1.200 tỷ VNĐ trong năm 2010. Điều này là những cơ sở vững chắc ban đầu cho việc đề xuất thu phí sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực, thời gian và phải đối mặt với nhiều thách thức – đặc biệt là sự phản đối từ người dân. Vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục về các tác hại của việc sử dụng nước ngầm cũng như phát triển các giải pháp tiết kiệm nước sạch, xử lý nước mặt cũng cần được tiến hành đồng thời và song song.