Từ trước đến nay, chúng ta vẫn yêu cầu các startup phải có tư duy toàn cầu và đòi hỏi Việt Nam cần có chính sách để thu hút các nhà đầu tư quốc tế nhưng dường như chúng ta phần nào quên mất rằng, trước khi nhìn ra thế giới, chúng ta cần phải nhìn vào môi trường trong nước đã.

Đó cũng chính là chủ đề của Diễn đàn chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày 30/11 trong khuôn khổ TECHFEST 2018.

Bà Susan Amat, thành viên ban quản trị Global Entrepreneurship Network có mặt tại buổi hội thảo chia sẻ rằng, chính phủ không bao giờ nên đặt mục tiêu là sẽ thu hút thêm nhiều tiền đầu tư, mà cứu cánh là tạo ra nguồn lực sẵn sàng để bất kì startup nào, đến từ đâu cũng có thể tiếp cận, làm sao để họ tìm được “nhà của mình”. Bước ra sân chơi toàn cầu, Việt Nam cần thể hiện mình là một quốc gia thực sự cởi mở với startup. Chính phủ cần phải thay đổi từ tư duy của một nhà đầu tư, mang tính chất áp đặt là kỳ vọng startup phải thành công, có nhiều doanh thu, tạo ra nhiều việc làm sang tư duy của một người “phục vụ khách hàng”, đưa ra các giải pháp để hỗ trợ startup phát triển.


Để bước ra sân chơi toàn cầu, Việt Nam cần thể hiện mình là một quốc gia thực sự cởi mở với startup.Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành tham quan gian hàng triển lãm Làng Nôngnghiệp. Ảnh: TTTT.

Quan điểm của bà Amat cũng được chia sẻ bởi ông Peter Ong, người đứng đầu Singapore Enterprise. Ông cho rằng, sở dĩ hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore trở thành một trong những nơi hấp dẫn nhất trên thế giới, đó là vì nó đã tận dụng lợi thế nhỏ của mình (hầu hết các startup, quỹ đầu tư, cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở đây đều tụ tập ở một khu vực gọi là Launch Pad, gồm nhiều block nhà chung cư cũ được cải tạo lại thành không gian làm việc) để nắm bắt rõ ràng nhu cầu, thậm chí từng cá thể trong hệ sinh thái và đáp ứng nó. Chính vì vậy, khởi nghiệp ở Singapore là một hành trình dễ dàng hơn.

Một trong những cách chính phủ tỏ ra “thân thiện” với startup, đó chính là trở thành những khách hàng đầu tiên “thí nghiệm” sản phẩm của họ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, với 70% startup đang gọi vốn đều có yếu tố nước ngoài (theo thống kê của ông Phạm Thành Hưng, nhà đầu tư mạo hiểm vốn được biết đến qua chương trình truyền hình thực tế Shark Tank) và 40 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, có lẽ không cần phải bỏ công để mời các nhà đầu tư nước ngoài vào nữa ở thời điểm hiện tại. Theo ông, điều cần thiết bây giờ là chính phủ “phơi bày” ra những khó khăn của Việt Nam, những nhu cầu cấp bách cần phải giải quyết trong mọi lĩnh vực, kỳ vọng đây sẽ là bài toán chờ lời giải của các startup.

Theo ông Ashran Dato Ghazi, Giám đốc MAGIC, Malaysia, Chính phủ nước này cũng có một chương trình tương tự như vậy. Ngoài việc mới đây họ lập ra Bộ phát triển Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (Ministry of Entrepreneur Development), chính phủ nước này còn thay đổi nhiệm vụ của quỹ Mavcap, tài trợ cho những doanh nghiệp lớn kết nối với startup để thực hiện một dự án áp dụng công nghệ mới và nền tảng Sáng tạo mở Quốc gia, theo đó tất cả các bộ ngành đều phải tự nghĩ về những khó khăn của mình và đặt hàng các startup giải quyết. Ông cho rằng, nếu những doanh nghiệp lớn vẫn còn chần chừ, chưa dám mở lòng ra với công nghệ mới thì “chính phủ phải thể hiện tinh thần sẵn lòng làm việc với startup” trước. Ông Emmet Mcelhatton, Quản lý kinh doanh và thương mại, khu vực công và tư nhân New Zealand nói thêm rằng, để chính phủ làm việc với khối tư nhân thành công, cần có một đội ngũ có tư duy và hành động theo hướng khởi nghiệp tinh gọn, theo phương pháp Agile, nghĩa là liên tục lấy phản hồi của đối tượng thụ hưởng chính sách để có điều chỉnh linh hoạt.

Trong ảnh: Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao đổi cùng các diễn giả: Bà Susan Amat (bìa trái), ông Peter Ong (thứ hai từ trái sang), ông Ashran Dato Ghazi (bìa phải). Ảnh: TTTT.
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao đổi cùng các diễn giả: Bà Susan Amat (bìa trái), ông Peter Ong (thứ hai từ trái sang), ông Ashran Dato Ghazi (bìa phải). Ảnh: TTTT.

Với cách nghĩ này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời: “tôi không lo về vốn” khi được hỏi về hạn chế trong chính sách bảo toàn vốn, không cho phép sử dụng tiền ngân sách tham gia đầu tư mạo hiểm. “Vốn không phải là tất cả, ngoài ra còn có những hỗ trợ khác” – ông cho biết. “Những hỗ trợ khác” đó, chính là tạo ra cơ hội để startup có thể hợp tác với chính phủ, giải quyết những bài toán thiết thân của người dân trong một nền kinh tế thị trường vẫn chưa thực sự hoàn thiện: “Làm startup không nhất thiết là phải nghĩ ngay đến thế giới, nghĩ ngay mình phải trở thành công ty tỷ phú, triệu phú. Hãy bắt đầu bằng những việc tưởng chừng rất nhỏ, từ những nhu cầu rất thiết thực: như trồng cây gì, nuôi con gì, làm sao để người nông dân tiếp cận với thị trường, làm sao để người bệnh không phải đợi lâu hoặc xếp hàng…Nếu các bạn thấy có nhu cầu và các bạn có ý tưởng, cách làm khác biệt với những gì người khác đã làm, các bạn hãy bắt đầu từ trong nước rồi ra đến thị trường quốc tế”.

Đồng quan điểm với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cần phải "thúc đẩy tư duy với vấn đề địa phương". Đồng thời, “vai trò của chính phủ không chỉ là cơ quan hỗ trợ, đồng hành, chăm lo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ còn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, trí thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.