Năm 2021, trung bình mỗi cán bộ của Viện xuất bản 1,5 bài báo ISI/Scopus.
Tại lễ kỷ năm năm thành lập ngày 15/11, ông Trương Ninh Thuận - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ (trực thuộc trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết, thời gian qua, Viện đã đạt được một số thành tích về tổ chức cán bộ, đào tạo, nghiên cứu, và hợp tác phát triển. Trong đó, năm 2021, trung bình mỗi cán bộ của Viện xuất bản 1,5 bài báo ISI/Scopus. Nhiều sản phẩm đang được cán bộ, sinh viên của Viện nghiên cứu và hoàn thiện như: máy phát điện gió cỡ nhỏ, máy bay cánh quạt mang hàng hóa cỡ nhỏ, xe đạp nước, các mô hình máy bay cánh bằng hiện đại (bay được)… Về hợp tác phát triển, ngoài hợp tác trong nước với Viện Hàng không vũ trụ Viettel, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam..., Viện còn đang tham gia hợp tác đào tạo theo hình thức 2+2 và Học viện Hàng không Moscow, LB Nga (MAI).
Tại buổi lễ, ông Vũ Tuấn Anh – Viện trưởng Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, Tập đoàn Viettel, đề xuất, trong thời gian tới, hai đơn vị sẽ tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin về đội ngũ chuyên gia, các đối tác trong nước và quốc tế; thúc đẩy đào tạo công nghệ nền tảng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; kết hợp đào tạo ứng dụng thông qua việc cử sinh viên nhận nhiệm vụ, làm việc tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel; đặc biệt, Viettel sẽ tiếp tục hỗ trợ thực tập, tuyển dụng và cấp học bổng cho sinh viên.
Năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã hợp tác cùng xây dựng Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ để quản lý và đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành này.
TH