Dù bệnh lở mồm long móng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền nông nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới, song cho đến nay, các thông số về sự lây truyền virus chủ yếu chỉ được ước tính trên dữ liệu về ổ dịch ở châu Âu và có rất ít dữ liệu về cách thức lây truyền của bệnh ở các nước đang phát triển.

Do đó, các nhà khoa học ở Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ĐH Quốc gia Úc và ĐH Melbourne (Úc) đã thực hiện nghiên cứu ước tính các thông số lây truyền bệnh lở mồm long móng ở Việt Nam - quốc gia xếp thứ năm trên thế giới về sản xuất thịt lợn. Họ sử dụng phương pháp Kernel động-không gian, kết hợp với dữ liệu hằng ngày về sự xâm nhập của virus lở mồm long móng và dữ liệu điều tra về virus-vật chủ.

Kết quả cho thấy, trâu bò là những loài tác động đến sự lây lan bệnh lở mồm long móng nhiều hơn so với lợn. Bên cạnh đó, sự lây truyền bệnh cũng phụ thuộc vào quy mô đàn và khoảng cách giữa các cơ sở có nguy cơ và cơ sở đã nhiễm bệnh. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra, virus lở mồm long móng có thể lây truyền trong không gian rộng hơn (25 km và 50 km) so với những dữ liệu công bố trước đây (chỉ 10 km). Sự khác biệt này có thể là do những yếu kém trong hệ thống an toàn sinh học cũng như việc thực hiện các biện pháp giám sát và kiểm dịch ở các nước đang phát triển.

Kết quả nghiên cứu được công bố trong bài báo “Estimating the transmission parameters of foot-and-mouth disease in Vietnam: A spatial-dynamic kernel-based model with outbreak and host data” trên tạp chí Preventive Veterinary Medicine.