Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đổi mới quy trình, phương thức công tác xây dựng thể chế là điểm nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Hoàng Giang

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật, diễn ra vào sáng 24/11.

Thể chế là then chốt, là khâu đột phá

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành, với mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Xác định đúng vai trò thể chế là then chốt, là khâu đột phá quyết định hiệu quả nền kinh tế - xã hội, từ đó, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát sự chồng chéo của các quy định để tiến hành sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo tinh thần một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, một thông tư sửa nhiều thông tư, một luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định quy định chi tiết, một nghị định chỉ ban hành một thông tư hướng dẫn; ban hành văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ. Đối với những vấn đề cấp thiết, đã chủ động đề xuất giải thích pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, điển hình là trong triển khai thi hành Luật Quy hoạch.

Đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đổi mới quy trình, phương thức công tác xây dựng thể chế cũng là điểm nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ này. Chính phủ luôn ưu tiên thời gian cho công tác xây dựng thể chế, thường xác định đây là nội dung đầu tiên trong chương trình nghị sự tại các phiên họp Chính phủ.

Ngoài việc thường xuyên thảo luận tại các phiên họp thường kỳ, hằng năm Chính phủ tổ chức 2 phiên chuyên đề xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu về tiến độ cũng như chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trong chương trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cho ý kiến, thông qua để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được 112 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trên tất cả các lĩnh vực: Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)... theo đó, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần giúp Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh và 20 bậc cải thiện môi trường kinh doanh toàn cầu.

Nhiều giải pháp về cải cách hành chính

Về phía VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong 5 năm gần đây, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp với những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với tinh thần làm việc “Trung thành – Tận tụy - Đoàn kết - Trí tuệ - Kỷ cương”, VPCP đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng với quan điểm coi trọng hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất, đồng bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Trên tinh thần đó, VPCP đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều kiến nghị chính sách, nhiều giải pháp về tổ chức, điều hành, thực hiện cải cách hành chính, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật.

VPCP đã phối hợp cùng Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lập 5 đề nghị Xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết cho giai đoạn 2016-2020. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, VPCP đã phối hợp với các bộ xử lý trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 745 Nghị định, 232 Quyết định quy phạm của Thủ tướng; trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được 112 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngày 19/8/2016, VPCP đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan và địa phương, trong đó có việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 101 cuộc kiểm tra, tạo sự chuyển động trong thực thi, phá bỏ sự trì trệ; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tạo chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện. Nhiều vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, số nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh, chỉ còn 1,8%, giảm 23,2% so với trước khi thành lập Tổ công tác. Với những kết quả tích cực đó, Tổ công tác của Thủ tướng đã được Trung ương đánh giá là điểm sáng nhất trong năm 2017.

Năm 2019 và 2020, trước thực trạng hệ thống pháp luật có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, gây vướng mắc, cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, VPCP đã phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu cho Thủ tướng thành lập Tổ công tác giúp Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật; đã phát hiện ra nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung trong một loạt các đạo luật về môi trường đầu tư, kinh doanh. Tổ công tác cũng đã có Báo cáo kết quả rà soát gửi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, trên cơ sở tổng hợp hơn 6.000 trang tài liệu, là kết quả rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong thẩm tra các đề án, dự án, VPCP luôn có ý kiến độc lập, chú trọng đánh giá tác động và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, phù hợp của chính sách. Tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình các cơ quan có thẩm quyền. Chủ động đề xuất nhiều nội dung quan trọng; tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, bộ, ngành thông qua chức năng điều phối (trung bình mỗi năm VPCP tổ chức khoảng 60 cuộc họp có tính chất điều phối); tham mưu giải quyết vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

VPCP cùng các bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính; ban hành 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh để hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường minh bạch, hướng tới tiêu chuẩn của OECD; tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chống chéo, phiền hà cho doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Đồng thời, VPCP đã tổ chức tiếp nhận và đề nghị các bộ, ngành, địa phương xử lý hơn 7.000/8.000 phản ánh, kiến nghị (đạt tỷ lệ 85%).

Đặc biệt, đã tích cực, chủ động tham mưu trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Bằng nỗ lực và hành động quyết liệt, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào vận hành thành công 4 Hệ thống quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể: Trục liên thông văn bản quốc gia - đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác, tiếp nhận gần 3 triệu văn bản điện tử; tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm; Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet) - hướng tới Chính phủ không giấy tờ, đã thay thế việc in ấn, phát hành hơn 214 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm khoảng 169 tỷ đồng/năm; Cổng dịch vụ công quốc gia - “Kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính, đang cung cấp trên 2.300 dịch vụ công/6.700 thủ tục hành chính, có hơn 87 triệu lượt truy cập, hơn 373 nghìn tài khoản đăng nhập một lần, trên 24 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 561 nghìn hồ sơ được thực hiện, tiết kiệm chi phí xã hội trên 6.700 tỷ đồng/năm.

Cả 3 sản phẩm đều được nhiều tổ chức uy tín bình chọn là 3 sự kiện trong 10 sự kiện nổi bật của năm 2019. Tháng 8/2020, Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ đi vào hoạt động, góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu giấy chuyển sang dữ liệu số thông minh, thời gian thực, chính xác.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau Hội nghị này, VPCP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về công tác này, trình Thủ tướng ban hành về những đánh giá đầy đủ và đưa ra những giải pháp toàn diện để tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong thời gian tới.