Ngày 2/8, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper đã đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Phenikaa, đánh dấu bước tiến trong sự phát triển hợp tác quốc tế của Trường và các đối tác Hoa Kỳ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Theo đại diện của Trường ĐH Phenikaa, trong những năm gần đây, Trường đã thúc đẩy một số chương trình hợp tác với các tổ chức/doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trong lĩnh vực đào tạo, Trường đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với ĐH Bang Arizona (ASU) về triển khai Dự án BUILD-IT vào năm 2022. Theo đó, 162 cán bộ giảng viên đã được tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực trong các chương trình của Dự án; 3 giảng viên đạt chứng chỉ quốc tế; 5 chương trình đào tạo thuộc Khối ngành Công nghệ kỹ thuật chuẩn bị để đạt tiêu chuẩn kiểm định ABET; 18 lãnh đạo, giảng viên tham gia đào tạo Phương pháp giảng dạy số trong giáo dục đại học; 200 sinh viên tham gia các chương trình học tập theo dự án (Chương trình đào tạo AWS, Chương trình học thuật của IBM, IEC, v.v.); Tích hợp mô hình MEP vào Cuộc thi Sáng kiến Khởi nghiệp nhằm nâng cao trải nghiệm và kết quả học tập của sinh viên….
Về nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học của Trường ĐH Phenikaa đã phối hợp với các nhà khoa học của ĐH Georgia và ĐH Nam Florida để có các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín như: Advanced Optical Materials, Material Horizons, Scientific report...
Đặc biệt, TS Ngô Thị Thúy Hường đã hợp tác với Cục Địa chất Hoa Kỳ thông qua Dự án “Ứng dụng cỏ vetiver ở quy mô thực tế để xử lý đất ô nhiễm dioxin ở Sân bay Biên Hòa”. Dự án được USAID tài trợ tổng cộng 332.000 USD.
Một trong những lĩnh vực được coi là thế mạnh của Phenikaa là Dự án Bệnh viện Đại học Phenikaa với hệ thống trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại từ các nhà sản xuất Hoa Kỳ, tổng kinh phí hơn 6 triệu USD.
Năm 2022 - 2023, Tổ chức Seeding Lab đã tài trợ 500.000 USD bằng hiện vật (gần 200 thiết bị) để xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Y sinh. Hiện các thiết bị hiện nay đang được sử dụng để nghiên cứu và đào tạo.
Trong khối ngành Khoa học Sức khỏe, năm 2023, Trường ĐH Phenikaa đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác với ĐH Bang Michigan (MSU). Trước đó, Trường và Viện nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu (Institute for Global Health) thuộc MSU đã có những hợp tác trong khuôn khổ Dự án Mekong One Health Innovation Program (MOHIP), qua đó các giảng viên, sinh viên khối ngành Y Dược và Môi trường được tham gia chuỗi Hội thảo hằng tháng về Một sức khỏe và phát triển bền vững, tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về Dữ liệu lớn trong nghiên cứu y học và về An ninh y tế, Một sức khỏe và các bệnh lây truyền qua động vật.
Nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác đa phương diện này, đại diện lãnh đạo Trường cho biết Phenikaa định hướng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các trường đại học/tổ chức của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển ngoại giao.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch, bán dẫn
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ Knapper đã tham quan Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn của Trường ĐH Phenikaa. Phát triển nguồn nhân lực về vi mạch, bán dẫn là một trong những trọng tâm mà Phenikaa đang theo đuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn với KH&PT, Phenikaa cho biết họ
đặt mục tiêu “đến năm 2030 sẽ đào tạo tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư theo mô hình Upskill, kỹ thuật viên bậc cao trong các nhà máy lắp ráp, kiểm thử, đóng gói - đáp ứng đến khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến cần bổ sung của ngành.”
Để hiện thực hoá mong muốn đó, tháng Năm vừa qua, Trường đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác với ĐH Bang Arizona - một trong những trường đào tạo về ngành chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới, để xây dựng các chương trình đào tạo.
ĐH Bang Arizona đồng ý hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn (thiết kế mạch tích hợp IC, ATP), Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật năng lượng sạch; đồng thời sẽ hợp tác với Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn tổ chức các khóa đào tạo về bán dẫn cho giảng viên (thiết kết IC nâng cao, ATP), và thúc đẩy phối hợp đào tạo sau đại học.
“Với những đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động… của ngành, đào tạo nhân lực ngành Vi mạch bán dẫn không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản bậc đào tạo đại học, mà cần nhiều nỗ lực triển khai các trình độ cao hơn”, đại diện Trường lý giải.
Đặc biệt, Trường cũng đã ký kết với Synopsys - là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Các sản phẩm bao gồm các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip và hệ thống máy tính.
Công ty Synopsys đã hợp tác và cung cấp cho Trường phần cứng là các thiết bị Zebu 5, Zebu 4, số 1 thế giới về ảo hóa Chip trị giá 3 triệu USD trang bị cho Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn (PSTC), và toàn bộ phần mềm công cụ thiết kế Chip. Trung tâm sử dụng giáo trình và tài liệu đào tạo Synopsys để đào tạo các học viên của mình.
“[...]Phenikaa đã có những bước tiến trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, điển hình như Synopsys. Những mô hình hợp tác và đối tác mang tính chiến lược này [...] không chỉ giúp hai nước củng cố mối quan hệ kinh tế mà còn giúp đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo rằng Việt Nam là một trung tâm quan trọng về sản xuất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác”, Đại sứ Marc Evans Knapper cho biết.