Các nhà nghiên cứu ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Hanyang, ĐHQG Jeonbuk, ĐH Quốc lập Đài Loan đã đi đến kết luận này sau khi nghiên cứu về tiềm năng sử dụng cây đu đủ.
Lá đu đủ vẫn được biết có nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như alkaloids, flavonoids, phenolic nên được nghiên cứu nhiều về tiềm năng cải thiện chức năng miễn dịch thông qua trung hòa các gốc tự do.
Các nhà nghiên cứu phân tích các đặc tính lý hóa của trà kombucha đu đủ, trong đó phân tích hàm lượng đường, độ pH và tổng lượng acid. Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt về hàm lượng đường giữa trà làm từ cuống và lá; nồng độ pH giảm dần sau quá trình lên men 14 ngày cùng với sự tích tụ acid acetic; gia tăng hàm lượng flavonoid, loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật, có thể là do sự phân hủy enzym trong quá trình lên men kombucha; gia tăng khả năng chống ô xy hóa của trà do vi khuẩn acid lactic giải phóng các thành phần hoạt hóa, bao gồm exopolysaccharides, góp phần khử các gốc tự do.
Nghiên cứu cho thấy lá và cuống đu đủ phù hợp với việc làm chất nền cho lên men trà kombucha, chỉ dấu khối men SCOBY hình thành trong quá trình lên men trà. Trà kombucha chiết xuất từ đu đủ cho thấy sự tăng cường các đặc tính kháng khuẩn và ức chế ⍺-amylase liên quan đến tiểu đường. Những đánh giá ban đầu xác nhận trà kombucha đu đủ cân bằng về vị và phù hợp với khẩu vị đa dạng. Do đó, cuống và lá đu đủ hứa hẹn là thành phần chế biến trà kombucha, đem lại lợi ích dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe tiềm năng.
Kết quả được trình bày trong “Kombucha tea derived from papaya (Carica papaya L.) as a potential functional food: physicochemical parameters, biological activities, and sensory evaluation”, được xuất bản trên tạp chí Journal of Food Science.
Thanh Hương