Tính đến nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã góp phần đào tạo cho đất nước hơn 200 nghìn kỹ sư, cử nhân; 15.000 thạc sĩ; và gần 1.000 tiến sĩ. Trong giai đoạn tới, Trường đặt mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo với mô hình quản trị tiên tiến, cơ cấu tổ chức tinh gọn, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số.
Sáng 15/10, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm thành lập với sự có mặt hạn chế của các giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên và khách mời.
Phát biểu tại sự kiện, Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng điểm lại, năm 1956, Trường đại học chuyên nghiệp Bách khoa đã khai giảng khóa đầu tiên cho 848 sinh viên chỉ với 16 phòng học, 6 phòng thí nghiệm và 1 xưởng thực hành nhỏ. 50 cán bộ đầu tiên phần lớn vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm.
Sau đó, với sự giúp đỡ của Liên Xô, khu trường mới được khởi công xây dựng năm 1960 và khánh thành vào năm 1965.
Giai đoạn 1965-1975, trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, gần 200 cán bộ, giảng viên và 2.700 sinh viên của Trường đã xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ.
Sau thống nhất đất nước, 200 cán bộ, giảng viên của Trường vào tiếp quản và xây dựng lực lượng nòng cốt cho các trường đại học phía Nam như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Sư phạm Thủ Đức, góp phần quan trọng vào việc hình thành khối các trường đại học kỹ thuật, công nghệ của đất nước.
Nói về Trường trong hiện tại, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, Trường đang có 19 khoa/viện đào tạo, 8 trung tâm và viện nghiên cứu. Bên cạnh các ngành khoa học kỹ thuật truyền thống, Trường đào tạo cả các ngành kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm kỹ thuật. Hằng năm, Trường tuyển sinh khoảng 7.500 sinh viên đại học chính quy, 1.500 học viên cao học, và hơn 70 nghiên cứu sinh. 65 năm qua, hơn 200 nghìn kỹ sư, cử nhân; 15.000 thạc sĩ; và gần 1000 tiến sĩ đã tốt nghiệp từ đây.
Về nghiên cứu, Trường luôn nằm trong top 4 cơ sở nghiên cứu hàng đầu Việt Nam theo các bảng xếp hạng trên thế giới. 5 năm qua, số công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI của các giảng viên tăng gấp 5 lần.
Tính đến nay, Trường đã triển khai hơn 6.000 đề tài nghiên cứu các cấp và thực hiện hơn18.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Các công trình gần đây như công nghệ chế tạo bột huỳnh quang cho đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; công nghệ chế tạo và lắp đặt các hệ thống pin mặt trời cho vùng xa và hải đảo; công nghệ chế tạo các module chiếu sáng phục vụ đánh bắt thủy hải sản; công trình nghiên cứu chế tạo thiết bị định vị độ chính xác cao bằng công nghệ đa vệ tinh và công trình nghiên cứu chế tạo các thiết bị giám sát nguồn phóng xạ hạt nhân; sản phẩm máy vân tay phục vụ làm căn cước công dân điện tử không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế đất nước mà còn nâng tầm vị thế của các nhà khoa học Việt Nam nói chung và Bách khoa nói riêng.
“Giấc mơ lớn của rất nhiều thế hệ ‘người Bách khoa’ là dùng kiến thức, trí tuệ và công nghệ để giải những bài toán lớn, góp phần giải quyết những trăn trở, những thách thức lớn của đất nước,” PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng kết luận và cho biết, định hướng phát triển trong thời gian tới của Trường là trở thành một đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo với mô hình quản trị tiên tiến, cơ cấu tổ chức tinh gọn, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số.
Cũng trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Trường đã công bố thành lập quỹ học bổng mang tên vị Hiệu trưởng đầu tiên - GS Trần Đại Nghĩa - dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có:
- Hơn 1.100 giảng viên cơ hữu, trong đó 798 người (78%) là tiến sĩ. Số giáo sư và phó giáo sư của Trường lần lượt là 23 và 217 - tương đương 23% số giảng viên.
- Hơn 35.000 người học tại ở 65 chuyên ngành đại học, 47 chuyên ngành cao học, và 32 chuyên ngành tiến sĩ. |