Ngày 20/4 tại TPHCM, Trung tâm Hành động liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu vùng và đô thị (CRUS) tổ chức Tọa đàm “Năng lượng thông minh – Hướng đi nào cho TPHCM”.
Tại đây, bà Nguyễn Thùy Ngân – Giám đốc Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách khoa giới thiệu mô hình không gian trải nghiệm năng lượng sạch đầu tiên của Việt Nam.
Mô hình được xây dựng tại trường ĐH Bách Khoa TPHCM, vận hành 100% từ năng lượng mặt trời. Đây là nơi giới thiệu và trưng bày phần mềm giám sát hệ thống thông minh có khả năng ghi nhận thời gian thực lượng điện mặt trời sản sinh mỗi ngày, số tiền ước lượng tiết kiệm được và lượng CO2 giảm phát thải, từ đó đưa đến cho sinh viên nhận thức rõ hơn về tính ứng dụng của điện mặt trời trong đời sống.
Bằng cách tạo không gian cho sinh viên trải nghiệm và học tập trực quan về các sản phẩm, giải pháp năng lượng sạch, mô hình sẽ góp phần đào tạo nguồn lực con người, "một trong yếu tố then chốt để TPHCM phát triển năng lượng thông minh", theo bà Ngân.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE chia sẻ về dự án “Nóc nhà mặt trời” sẽ được CHANGE triển khai trong thời gian tới. Dự án thực hiện với mục tiêu khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà.
Theo bà Hồng, với số giờ nắng cao, kéo dài và nguồn phụ phâm nông nghiệp dồi dào, TPHCM là khu vực có tiềm năng lớn cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và sinh khối.
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang – Giám đốc công ty Tư vấn Công trình xanh GreenViet - cũng cho rằng, hiện nay, TPHCM không có các điều kiện tự nhiên để xây dựng các nhà máy điện có công suất lớn. Vì vậy, TPHCM cần phải làm thế nào để tiết kiệm năng lượng và phát triển về năng lượng mặt trời. “Phủ xanh thành phố và mỗi nhà là một nhà máy điện mini sử dụng pin mặt trời là hướng đi để TPHCM phát triển năng lượng tái tạo” - ông Quang đề xuất.
Ông Nguyễn Phương Duy, Sở Công Thương TPHCM cho biết, giai đoạn 2011 – 2017, TPHCM đã tiết kiệm được 3.100 triệu kWh điện, góp phần giảm trên 2.039 triệu tấn CO2. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo thì TPHCM phát triển còn chậm, chủ yếu là máy nước nóng năng lượng mặt trời. Nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời còn chưa đáng kể, do giá thành đầu tư cao, trong khi giá bán điện chưa được nhà nước hỗ trợ.
Kiều Anh