Trong giai đoạn 2017 – 2020, 10 doanh nghiệp công nghệ vi mạch tại TPHCM đã được ươm tạo, cho doanh thu gần 20 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đều sử dụng chip do Việt Nam thiết kế, chế tạo trong các sản phẩm của mình.
Tại Hội thảo tổng kết Đề án “Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017 – 2020”, do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TPHCM (SHTP – IC) tổ chức ngày 29/12, ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc SHTP – IC cho biết, đề án nói trên được UBND TPHCM phê duyệt tháng 7/2017 và bắt đầu thực hiện năm 2018.
Mục đích của đề án nhằm xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, từng bước ứng dụng sản phẩm vi mạch do các đơn vị trong nước nghiên cứu trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, phát triển công nghiệp vi mạch phục vụ mục tiêu xây dựng mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực vi mạch tại TP HCM, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp vi mạch.
Kết quả, trong 3 năm, Đề án đã thu hút 19 dự án tham gia; tất cả đều được hỗ trợ đăng ký, cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, 10 doanh nghiệp được ươm tạo và chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Trong đó, hơn 2.000 chip SG8-V1 do Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch, Đại học Quốc gia TPHCM (ICDREC) thiết kế, chế tạo đã được chuyển giao cho 10 doanh nghiệp ươm tạo để ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như: thiết bị xử lý nước bằng công nghệ điện phân và điện từ trường (Công ty TNHH Ewater Engineering Việt Nam), thiết bị thu thập dữ liệu điện kế từ xa (Công ty Cổ phần công nghệ Senvi), hệ thống đèn đường thông minh (Công ty TNHH Vilight)... Doanh thu của 10 doanh nghiệp ươm tạo đạt gần 20 tỷ đồng mỗi năm từ việc thương mại sản phẩm ứng dụng chip Việt.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Ewater Engineering Việt Nam cho biết, Công ty đã tham gia đề án ngay từ những năm đầu tiên và sử dụng hơn 1.000 chip SG8-V1 cho thiết bị Ewater ứng dụng công nghệ điện từ trường trong xử lý cáu cặn đường ống nước. Để xử lý cáu cặn mà không dùng hóa chất, Ewater áp dụng định luật Faraday để tạo ra một trường điện từ cảm ứng trong lòng ống. Với các tần số thay đổi liên tục từ 22- 128 kHz, Ewater cung cấp năng lượng thích hợp để ion hóa nước và các chất gây cáu cặn, rỉ sét như: Ca, Mg, Si, Fe, Mn làm cho các chất này mất khả năng bám dính trên đường ống.
Theo ông Hiếu, mặc dù chip Việt có giá thành cao hơn (2 – 10 lần) của nước ngoài, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn vì khách hàng yên tâm do nguồn gốc trong nước, đảm bảo bảo mật thông tin.
Kiều Anh