Trong 5 năm (2016-2020), toàn ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 mà còn về đích hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2021.

Sáng 30/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025 của ngành tài nguyên và môi trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị Tổng kết ngành TN&MT. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đến dự tổng kết có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Tân Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương…

Chủ động, sáng tạo để hóa giải các thách thức

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, năm 2020 là một năm đặc biệt với thế giới và Việt Nam. Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và ngành tài nguyên và môi trường.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh đó, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, toàn ngành TN&MT đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, chủ động, sáng tạo để hóa giải các thách thức, chủ động chuẩn bị các nền tảng để tăng tốc bứt phá, tạo ra những dấu ấn quản lý rõ nét trên các lĩnh vực. Nhờ đó, toàn ngành không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 mà còn về đích hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2021.

Trong đó, nổi bật là nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong quản lý tài nguyên đã được ngành tham mưu để Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét tháo gỡ, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn đã được ngành xây dựng, trình ban hành, góp phần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên cho phát triển mới của đất nước. Trong đó, nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường 2020 với tư duy, cách tiếp cận đột phá cho công tác bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị tổng kết. Ánh VGP/Nhật Bắc

Trong 5 năm qua, các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Tài nguyên khoáng sản, giá trị địa chất được điều tra, quản lý, sử dụng hiệu quả gắn với công nghiệp chế biến đóng góp cho tăng trưởng. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường đã cơ bản được khắc phục. Các lợi thế của vùng biển, ven biển tiếp tục được phát huy, đóng góp 60% GDP của cả nước. Tình trạng lãng phí các nguồn tài nguyên được khắc phục. Đặc biệt, năm 2020 trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn thì nguồn thu từ đất đai vẫn đạt 133% kế hoạch, khoảng sản đạt 112% kế hoạch đóng góp cho ngân sách.

Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn. Kết quả công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, chất lượng các thành phần môi trường được cải thiện, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016.

Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thuỷ văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng để các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019-2020 mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2-2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới toàn ngành đặt quyết tâm cao nhất và tiếp tục đổi mới sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ. Phấn đấu sớm về đích các chỉ tiêu 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý. Các nguồn tài nguyên được sử dụng hợp lý, hiệu quả bền vững, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dữ liệu không gian địa lý, tài nguyên và môi trường; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính phủ điện tử; thực hiện Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Chiến lược tổng thể tài nguyên số về tài nguyên và môi trường. Tập trung triển khai thực hiện những nội dung mới, đột phá trong thực thi bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa hơn nữa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Kiểm soát hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm, xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế tái sử dụng tốt đa các nguồn vật liệu, góp phần giải quyết vấn đề an ninh tài nguyên, an ninh môi trường và an ninh khí hậu...

Đặc biệt, “chú trọng ghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu cho các vùng chịu rủi ro thiên tai; đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn với công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.