Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tổng hợp đới bờ; Tác động của gió chướng đến dòng chảy cửa sông Cổ Chiên; Hiện trạng và xu thế bồi - xói bờ biển tỉnh Cà Mau… là những kết quả nghiên cứu mới nhất được các nhà khoa học giới thiệu tại Hội nghị ECSS 2017.

ECSS 2017 là Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 3 về nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi do Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và môi trường TPHCM và Đại học Nihon Nhật Bản tổ chức. Sự kiện nhằm mục đích trao đổi những nghiên cứu về xói lở bở biển và các giải pháp chẩn trị vùng ven biển.

Tại hội nghị, các nhà khoa học đã trình bày nhiều vấn đề nghiên cứu khác như: Biến động chất lượng nước và vi tảo tại cửa sông Ba Lạt; Đánh giá chất lượng nước nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Giao Thủy, Nam Định; Phân tích và nhận biết mực nước biển dâng từ 2000-2014 qua sự biến thiên dữ liệu tại Trạm thủy văn Phú An (TPHCM); Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng thủy sản vùng ven biển tại Việt Nam; Ứng dụng tọa độ cong để giải bài toán hai chiều về chuyển tải bùn cát và diễn biến đáy trong đoạn sông cong; Hiện trạng và xu thế bồi - xói bờ biển tỉnh Cà Mau…

T
PGS.TS Lê Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Địa Tin học - Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tại hội nghị

PGS.TS Lê Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Địa Tin học (ĐHQG TPHCM) - cho biết, công nghệ viễn thám trong quản lý tổng hợp đới bờ có nhiều loại: vệ tinh, ra đa, độ phân giải cao, độ phân giải trung bình, độ phân giải thấp... nên cần chọn những loai hình ảnh và thông tin phù hợp với từng nghiên cứu để đưa ra được dự báo và giải pháp quản lý.

Việc sử dụng Hệ thống thông tin địa lý đồng bằng sông Cửu Long (MGIS) sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị trong vùng tạo ra các bản đồ chuyên đề cần thiết cho việc quản lý và quy hoạch đới bờ trong khu vực.

Sau khi nghiên cứu, tính toán sạt lở bờ sông Tiền đoạn qua huyện Long Hồ, Vĩnh Long bằng mô hình tính toán diễn biến đáy hai chiều, kết hợp với phần mềm Geo - Slope, nhóm nghiên cứu trường Đại học Bách khoa và trường Đại học Tài nguyên môi trường TPHCM cho rằng, bờ sông tại đoạn này có hệ số ổn định nhỏ và dễ xảy ra sụt lở bờ. Qua kết quả này cho thấy, khả năng ứng dụng của phương pháp nói trên vào công tác sự báo sạt lở bờ sông trên các sông khác ở Việt Nam.

Kinh nghiệm từ việc xây dựng bờ biển nhân tạo trên đảo Okinawa, TS. Takaaki Uda - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công trình công cộng (Nhật) - chia sẻ, khi xây dựng các đê chắn sóng gần bờ biển, nhà khoa học cần dự báo hiệu quả che chắn sóng để tránh hư hại. Ngoài ra, nên lưu ý sự di chuyển của cát dưới ảnh hưởng của sức gió vì đây là nguyên nhân làm chi phí bảo trì hạ tầng tăng cao.

m
Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phát biểu tại sự kiện.

Hiện nay dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động rất mạnh đến vùng châu thổ đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và ven biển Nam Trung bộ. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng ĐBSCL làm nền đất bị lún, cộng với nước biển dâng gây tác hại rất lớn đến ven biển.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán - ECSS 2017 ngoài việc cung cấp thông tin về lĩnh vực biển cho các giảng viên và sinh viên, còn thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học và cơ quan nhà nước trong việc theo dõi, quản lý và ra quyết định trong lĩnh vực cửa sông, bờ biển và bãi bồi.

Ngoài việc tổ chức hội thảo này, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản còn có những chuyến đi thực địa tại các tỉnh ven biển như Phan Thiết, Bến Tre,… để đo đạc, xác định, tính toán những vùng xói lở trọng điểm vùng Nam Trung bộ và Nam bộ.

Dự kiến từ năm 2018, Ban tổ chức sẽ mở rộng quy mô hội thảo. Ngoài trao đổi học thuật, Việt Nam sẽ cố gắng đưa một số thầy cô giáo trẻ sang Nhật thực tập thời gian ngắn để phục vụ cho các nghiên cứu liên quan đến xói lở bờ biển trong nước.

Được biết, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí để phối hợp với Hàn Quốc triển khai dự án mô hình tính toán và dự báo xói lở dựa trên hệ thống tính toán hiệu năng cao. Đồng thời, Viện cũng phối hợp với Trường Đại học Bách khoa TPHCM thực hiện dự án thuộc Chương trình Quốc gia về Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, nghiên cứu về xói lở bờ biển, các vấn đề liên quan đến cửa sông, ven biển, bãi bổi sẽ được giải quyết trong hai đề tài này.