Sau hai ngày thực hiện phẫu thuật (10 – 11/10/2015), sức khỏe của các bệnh nhân và người cho gan đều phục hồi tốt.

Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Tp.HCM cho biết, Bệnh viện vừa thực hiện thành công hai ca ghép gan từ người cho gan sống.
Sau hai ngày thực hiện phẫu thuật (10 – 11/10/2015), sức khỏe của các bệnh nhân và người cho gan đều phục hồi tốt.Hai ca ghép gan này được thực hiện với sự trợ giúp của Trung tâm ghép gan Bệnh viện Asan (Hàn Quốc).
Trước khi tiến hành ghép gan, bệnh nhân nữ 66 tuổi ở Tp.HCM bị ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nếu không ghép gan nhanh sẽ suy thận bất cứ lúc nào. Người cho gan là con trai của bệnh nhân, 37 tuổi.
Bệnh nhân thứ hai 60 tuổi ở Bến Tre, được chẩn đoán là ung thư gan, xơ gan, nhiễm viêm gan siêu vi B. Người cho gan là con trai của bệnh nhân, 32 tuổi.
Theo Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, việc tiến hành ghép gan từ người cho sống phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Bởi ghép gan ở người cho sống phức tạp, khó khăn hơn đối với người cho chết não. Ca mổ phải đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân lẫn cho gan, tiêu chuẩn chọn lựa khắt khe hơn với thể tích phần gan cho ghép.
Từ năm 2012 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 6 ca ghép gan, trong đó có 5 ca ghép gan từ người cho sống, một ca ghép gan từ người cho đã chết não. Trong các ca ghép trước đây, có ca đầu tiền bệnh nhân tử vong sau 2 tháng ghép. Các trường hợp còn lại đều có sức khỏe tốt, lao động bình thường. Những người cho gan cũng có sức khỏe tốt, ổn định, không có biến chứng sau phẫu thuật.
Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết thêm, gan của người cho có sự tái sinh và phát triển nhanh. Chỉ khoảng 10 ngày sau phẫu, thể tích gan đã tăng được 15% và sau 1 năm, gan tăng thêm 90 – 95% so với thể thích ban đầu. Vì vậy, việc cho gan hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người cho.
Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đang tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ ghép gan để hoàn thiện kỹ thuật hơn từ Bệnh viện Asan. Công nghệ ghép gan nói riêng và nội tạng nói chung đòi hỏi kỹ thuật cao, nên Bệnh viện Chợ Rẫy xác định việc chuyển giao công nghệ này phải thực hiện từng bước một. Đầu tiên là việc đào tạo nhân lực, tiếp đến các bác sĩ Bệnh viện Asan cùng bác sĩ của Việt Nam thực hiện ghép gan. Sau đó, sẽ để các bác sĩ trong nước thực hiện nhưng có sự giám sát của các bác sĩ bệnh viện Asan. Cuối cùng, mới giao hoàn toàn cho các bác sĩ Việt Nam đảm nhận khi đã nắm vững về mặt chuyên môn và kỹ thuật.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, việc thực hiện các ca ghép gan trong nước là cơ hội để cứu sống bệnh nhân, giảm bớt chi phí điều trị, cũng như học hỏi các kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến trong y học từ các nước khác cho các bác sĩ của Việt Nam.