Sau khi gia nhập TPP, ngành dệt may Việt Nam (VN) sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Việc chuyển giao công nghệ là cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp VN hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may của VN hiện chưa đủ năng lực để tiếp nhận các công nghệ, kỹ thuật.

Bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề để có thể vận hành, quản lý máy móc, thiết bị, tiếp nhận công nghệ còn thiếu và yếu. Việt Nam cần phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong ngành này. Đó là nhận định của các chuyên gia Hàn Quốc tại Hội thảo khoa học chuyên đề Công nghệ dệt may Việt Nam – Hàn Quốc 2015 do Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức tại Tp. HCM vừa qua.

Theo bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, ngành công nghiệp dệt may VN có nhiều điểm mạnh như chính sách rõ ràng của Chính phủ; có thị trường, sự ủng hộ của người dân, lao động tay nghề cao, chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, ngành này lại quá phụ thuộc vào nguyên liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu; trình độ quản lý yếu kém; thiếu sự kết nối với thị trường cũng như chi phí vốn quá cao.

Vì vậy, ngành công nghiệp dệt may VN cần phải khai thác tối đa lợi thế từ TPP, FTA, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, chọn thị trường phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh công tác thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu. Tăng cường hợp tác về chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong các lĩnh vực dệt, nhuộm;…

Trong nhiều năm qua, dệt may là ngành công nghiệp luôn chiếm vị thế cao ở VN cả về 3 tiêu chí: Có đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nhiều năm liên tục. Riêng năm 2015 chỉ đứng sau ngành sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử; Giải quyết công ăn việc làm cho đông đảo người lao động; Suất đầu tư cho ngành sản xuất này thấp, kể cả tài chính và đào tạo, phù hợp với năng lực, trình độ lao động của nền kinh tế VN.

Tiến trình hội nhập đang nâng bước ngành dệt may VN vào thị trường thế giới đặc biệt là các thị trường truyền thống và tiềm năng của ngành dệt may VN như Mỹ, EU, … Đặc biệt sau khi VN gia nhập TPP, cơ hội càng rộng mở cho ngành dệt may VN. Ông MooByung Chul – Tham tán thương mại Lãnh sự quán Hàn Quốc cho biết, ngành công nghiệp dệt may VN có 70% doanh nghiệp may mặc, sản xuất hàng quần áo may sẵn theo hình thức gia công. Chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và yếu kém (83,1%) với quy mô dưới 200 công nhân. Đa số nhập khẩu sợi, vải từ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong thời gian tới, ngành công nghiệp dệt may VN cần tăng cường đầu tư dựa theo ảnh hưởng của Hiệp định TPP, FTA. Đồng thời tăng cường tính cạnh tranh hơn nữa cho các doanh nghiệp nhuộm.