Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh triết lý phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, "nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu hay chấp nhận sự sắp đặt của tạo hóa, suy vong hay thịnh phát do chính quyết định và hành động của chúng ta”.
Ngày 18/6, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ – CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sau khi Nghị quyết 120 được ban hành, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức các cấp, các ngành về tư duy xây dựng chính sách, trong xác định các chương trình dự án cấp bách. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Nhờ đó, năm 2018, sản lượng tôm đạt 0,623 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng cả nước; cá tra là 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%; lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56%. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng BĐKH như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; …
Bên cạnh đó, nghiên cứu KH&CN được đẩy mạnh, cung cấp luận cứ, sáng kiến, giải pháp, công nghệ phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL. Cụ thể như các kết quả nghiên cứu về cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng; tạo các giống cây trồng, cải tạo đất thích nghi với BĐKH, xâm nhập mặn; mô hình sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ cấp nước sinh hoạt vùng khan hiếm nước; phòng chống thiên tai, sụt lún, sạt lở bờ sông, biển;… Đồng thời, lồng ghép các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị quyết 120 vào các đề tài nghiên cứu như Giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán ở ĐBSCL; Đánh giá các nguyên nhân gây xói lở bờ sông và đề xuất giải pháp công trình, phi công trình trong phòng chống xói lở bờ sông; Thử nghiệm và đề xuất các giải pháp công nghệ ngăn ngừa, phòng chống, giảm nhẹ tác động của thiên tai;…Các địa phương trong vùng cũng đã tích cực thực hiện các hoạt động về KH&CN như Tiền Giang nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học, chuyển đổi mô hình mùa vụ sản xuất trên nền đất lúa; TP. Cần Thơ triển khai nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao;…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 120 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng nhất là nhiều người dân chưa vẫn chưa ý thức về những thách thức, doanh nghiệp thì chưa có những hành động để có ứng phó phù hợp với thiên tai. Trong khi đó, ứng phó với BĐKH là cuộc chiến dài lâu cho nên phải huy động mọi sức mạnh của nhân dân, nguồn lực của xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 20 xác định triết lý phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ tính cấu kết sẵn có của tự nhiên. “Nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu hay chấp nhận sự sắp đặt của tạo hóa, suy vong hay thịnh phát do chính quyết định và hành động của chúng ta” – Thủ tướng nói.
Để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 120, Thủ tướng đề ra 3 phương châm hành động: “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng”. Theo đó, Chính phủ bằng chức năng kiến tạo, đề ra các cơ chế chính sách để thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp hành động. Người dân hưởng ứng bằng tăng cường kiến thức, đồng hành với các chủ trương, chính sách của Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải tạo lập được môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp; các địa phương cần chú trọng đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong tình hình BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp. Nguồn lực đất đai phải được bố trí hợp lý, giữa trồng lúa, nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển đô thị.
Thủ tướng giao cho Bộ KH&CN có đề án phát triển KH&CN ở các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và yêu cầu các địa phương phải tăng cường đầu tư, thúc đẩy các giải pháp phát triển KH&CN.
Tại hội nghị, nhiều bộ trưởng đã đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp để phát triển vùng ĐBSCL:
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tăng cường ứng dụng, chuyển giao KH&CN, phát triển các viện nghiên cứu của vùng đủ mạnh về nguồn lực; Thí điểm nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH; Có các chương trình nghiên cứu về giống, tập trung vào thủy sản, trái cây chủ lực, lúa chất lượng cao;… Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh ĐBSCL theo hướng tích hợp đa ngành; đổi mới và tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi giá trị; nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và môi trường;…
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới tập trung hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh để kết nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL, bao gồm: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... và nâng cấp các tuyến quốc lộ 30, 53, 54, 57,… Đồng thời, hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 tại TP HCM, kết nối thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL; nghiên cứu nâng cấp công suất sân bay quốc tế Phú Quốc, khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối sân bay Cần Thơ với các tỉnh thành khác.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đã hoàn thành gần hơn 1.000 cụm, tuyến dân cư và bờ bao, bố trí cho gần 200 ngàn hộ khu vực ngập lũ vào ở. Hỗ trợ xây mới gần 300 ngàn căn hộ cho các đối tượng chính sách, đảm bảo chỗ ở cho hơn 1,1 triệu người dân ĐBSCL. Ông Hà kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp các địa phương lập đề án phát triển nhà ở an toàn, thích ứng với cả tình trạng ngập lũ, sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn.
Trước đó, 4 hội nghị chuyên đề về: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụn lún, sạt lở vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng BĐKH; Giải pháp phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở; Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư đã được tổ chức và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học và chuyên gia nước ngoài.