Quy hoạch vùng ĐBSCL mới dự kiến sẽ trình Chính phủ vào quý IV/2020. Quy hoạch này sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất.
|
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá hai năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về những hoạt động đã triển khai để khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các giải pháp để huy động nguồn lực cho phát triển ĐBSCL bền vững.
Khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ KH&ĐT đang tổ chức lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành.
“Quy hoạch vùng ĐBSCL mới sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bộ KH&ĐT đã hoàn thành đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để tổ chức lập quy hoạch vùng; tiến hành khảo sát ở một số địa phương trong vùng để rà soát, đánh giá tình thực hiện quy hoạch và xác định các vấn đề liên ngành, liên tỉnh mà quy hoạch vùng cần giải quyết; khẩn trương nghiên cứu xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL, dự kiến trình thẩm định trong tháng 9/2019.
Trong giai đoạn trước mắt, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) để số hóa cơ sở dữ liệu về quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn vùng để bộ, ngành, địa phương có thể tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về quy hoạch phục vụ việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Dự kiến quy hoạch sẽ hoàn thành trong quý III/2020, và trình Chính phủ trong quý IV/2020. Trong đó tập trung một số nội dung cần quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng như sau: Phát triển nông nghiệp theo 2 mục tiêu là thích ứng với các tác động của BĐKH, sử dụng đất và nước một cách bền vững trong tương lai; trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL, hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên kinh doanh nông nghiệp để tăng trưởng bền vững.
Phát triển vận tải và logistics phù hợp quy hoạch tích hợp vùng: Chuyển dịch từ vận tải đường bộ sang đường thủy; nâng cấp mạng lưới vận tải thủy giữa vùng ĐBSCL với TPHCM; phát triển các trung tâm logistics (có thể kết hợp với các trung tâm vệ tinh) để tập trung, thu gom hàng hóa, hỗ trợ vận tải đa phương thức và cung cấp các dịch vụ gia tăng; có cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực vận tải và logistics; nâng cấp đoàn phương tiện vận tải thủy nội địa - tăng công suất về độ sâu để tăng tính cạnh tranh với vận tải đường bộ.
Ứng phó với BĐKH và tài nguyên nước: Quy hoạch tổng hợp thiên tai, đất và nước; chuyển đổi nông nghiệp và thủy sản; mở rộng rừng ngập mặn; thay thế nhà máy nhiệt điện với nhà máy nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo; nhà máy điện gió gần bờ với công trình bảo vệ bờ biển; nhà máy điện mặt trời với nông nghiệp và thủy sản; các khu công nghiệp với năng lượng tái tạo; điều chỉnh tiêu chuẩn công trình, xây dựng.
Hướng tới tư duy kinh tế nông nghiệp
Về công tác huy động nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) hoàn thành dự thảo cơ chế và chính sách ưu tiên để khuyến khích đầu tư tư nhân ở ĐBSCL, dự kiến sẽ xin ý kiến của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới để hoàn thiện dự thảo.
Để công tác huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển bền vững ĐBSCL đạt hiệu quả cao nhất, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể.
Theo đó, cần áp dụng tốt các chính sách tài chính và chính sách thuế theo hướng tăng trưởng xanh và chống BĐKH đã được ban hành bằng các hướng dẫn cụ thể;giải quyết các khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng cho các dự án, điều chỉnh Luật Đất đai theo hướng đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, đảm bảo khả năng tiếp cận lâu dài đối với đất đai và các quyền sử dụng hợp pháp của các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần tăng tính kết nối giữa các vùng chuyên canh, các cụm liên kết ngành với các trung tâm thương mại và cảng xuất khẩu chính.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trên cơ sở chủ động thích ứng cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị, từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao.
Cùng với đó, cần chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp sâu vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô cạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Song song với đó là cải thiện các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá, áp dụng các công cụ của chính phủ điện tử.
Xây dựng các mô hình hợp tác xã, công ty phát triển nông nghiệp với cánh đồng mẫu lớn, đại diện cho doanh nghiệp hoặc tay nối của doanh nghiệp trong triển khai sản xuất theo quy trình GAP, đồng bộ sản phẩm và chuỗi khép kín để đạt chất lượng sản phẩm cao và ổn định.