“Chúng ta mong muốn đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài, tinh hoa, nên phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Các trường có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, xây dựng các nhóm nghiên cứu trong trường, từ đó xây dựng uy tín thương hiệu của trường” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc nói.

Đó là nội dung ông đặt ra thảo luận trong Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu” với sự tham dự của đại diện Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) và hơn 20 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước ngày 27/5.

Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu”

Xây dựng cơ chế chính sách nâng cao chất lượng tiến sĩ

Số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. Kết quả này cho thấy sự chú trọng hội nhập thế giới cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học.

Để tiếp tục thúc đẩy chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở GDĐH, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GDĐT đang xây dựng Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Nghị định hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở GDĐH. Trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, tham khảo tối đa kinh nghiệm của các nước phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ sở GDĐH, kế thừa những gì đang triển khai tốt, rà soát sửa đổi những bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập với thế giới.

Để có cơ chế tài chính giúp nghiên cứu sinh đảm bảo cuộc sống, toàn tâm toàn ý nghiên cứu, Bộ GDĐT sẽ xem xét, đề xuất các phương án hỗ trợ học phí, học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước.

Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ những định hướng sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, với nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và quy trình tổ chức đào tạo. Bộ GDĐT đang nghiên cứu sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần tự chủ của các cơ sở GDĐH, đồng thời có những điểm sửa đổi kỹ thuật để phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, tiệm cận với quốc tế.

Bộ GDĐT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 theo Quyết định 89/QĐ-TTg, trong đó có cấp học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước.

Chất lượng nhóm nghiên cứu quyết định chất lượng tiến sĩ

Để đảm bảo chất lượng của nghiên cứu sinh, một yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng của các nhóm nghiên cứu, theo ý kiến của GS.TS. Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN tại Hội thảo. Kết quả khảo sát 463 nghiên cứu sinh và 333 giảng viên của các cơ sở GDĐH trên toàn quốc do nhóm của ông tiến hành cho thấy, nhóm giảng viên và nghiên cứu sinh đã từng tham gia nhóm nghiên cứu có số công bố khoa học trung bình lớn hơn hẳn nhóm chưa từng tham gia nhóm nghiên cứu (về cả công bố trong nước, nước ngoài trong và ngoài hệ thống ISI/Scopus).

Cụ thể, khảo sát cho thấy nhóm giảng viên/nghiên cứu sinh tham gia nhóm nghiên cứu công bố quốc tế uy tín cao gấp hơn 4,6 lần so với nhóm giảng viên/nghiên cứu sinh chưa từng tham gia nhóm nghiên cứu. Đặc biệt, Kết quả là, số lượng công bố khoa học trên hệ thống ISI/Scopus của nhóm giảng viên đã từng tham gia nhóm nghiên cứu gấp tới 4,87 lần so với nhóm giảng viên chưa từng tham gia nhóm nghiên cứu. Tương tự, nhóm nghiên cứu sinh đã từng tham gia nhóm nghiên cứu gấp tới 4,86 lần so với nhóm nghiên cứu sinh chưa từng tham gia nhóm nghiên cứu.

Ảnh minh họa: PGS. TS. Trần Xuân Tú hướng dẫn các nhà nghiên cứu trẻ tại ĐH Công nghệ, ĐHQGHN/ Thanh Nhàn.

Tham gia nhóm nghiên cứu có kinh nghiệm “va đập”, công bố trong môi trường quốc tế thì nghiên cứu sinh sẽ không chỉ được giảng viên hướng dẫn mà còn được các thành viên khác trong nhóm nghiên cứu hỗ trợ xây dựng ý tưởng, viết bài báo cho tới cách thức để hoàn thiện cũng như nộp sản phẩm khoa học của mình.

Nhìn chung, GS Đức cho rằng, yếu tố “Có nhóm nghiên cứu và môi trường học thuật” và “Chất lượng đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh” là các yếu tố quan trọng hàng đầu đối với đào tạo nghiên cứu sinh. Các yếu tố khác như cơ sở vật chất, kinh phí và nhóm nghiên cứu có mức độ đầu tư còn hạn chế cũng tác động tới chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh.

Từ nghiên cứu trên, GS Nguyễn Đình Đức đề xuất sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo hướng đặt ra yêu cầu cao đối với người học và cán bộ hướng dẫn, đồng thời có chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, nghiên cứu sinh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; tăng quy mô và chất lượng nghiên cứu sinh. Và những giải pháp then chốt là tăng cường xây dựng, đầu tư nhóm nghiên cứu, đầu tư dài hơi cho các nhóm nghiên cứu mạnh. Nghiên cứu sinh cần làm việc toàn thời gian, tăng cường học bổng và tham gia nhóm nghiên cứu. Các trường đại học phải thu hút được nhà khoa học đầu ngành và nhân tài, đồng thời hội nhập với quốc tế.

Phải “làm tiến sĩ” thay vì “học tiến sĩ”

Đồng quan điểm về vai trò của nhóm nghiên cứu trong cơ sở GDĐH và đào tạo tiến sĩ, bà Lê Yên Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ KH&CN, cho biết sắp tới Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 2395/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

TS Nguyễn Đắc Trung, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Nghiên cứu sinh phải thực sự là người làm tiến sĩ, coi đây là công việc của họ, để toàn tâm toàn ý, từ đó nhận được lại thành quả. Từ đây mới tạo nên động lực đúng đắn, thúc đẩy nghiên cứu sinh hoàn thành tốt công việc của mình”.

TS Nguyễn Đắc Trung cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từ xây dựng định hướng nghiên cứu, hợp tác với nước ngoài, doanh nghiệp thành lập trung tâm nghiên cứu hỗn hợp, thu hút đầu tư đào tạo dài hạn đến ươm mầm nhân tài từ sinh viên năm 3 đại học tham gia các nhóm nghiên cứu đến sau đại học.

Theo GS TS Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Học viện cũng đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy đào tạo tiến sĩ như hợp tác đào tạo với đại học nước ngoài, triển khai chương trình Postdoc dành cho tiến sĩ, đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục,…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, chủ đề của hội thảo gắn với nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh - là không gian đểcác nhà khoa học gắn bó và sáng tạo tốt nhất. Các ý kiến thảo luận đều ủng hộ việc cần thiết hình thành các nhóm nghiên cứu, do đó cần cơ chế chính sách để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong GDĐH. Bộ GDĐT sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có dự thảo Nghị định hoạt động Khoa học công nghệ trong GDĐH.