Trên thế giới, việc đốt chất thải phát điện ngày càng được áp dụng do những ưu điểm nổi bật với các công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp là bài toán mà mỗi địa phương cần xem xét kỹ lưỡng.

Xu hướng thế giới

Tại hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện do UBND TP.HCM tổ chức ngày 26.11.2017, trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) cho biết, tại nhiều nước châu Âu do quỹ đất hạn hẹp, cần phải bảo vệ tầng nước ngầm nghiêm ngặt, nên ở nhiều nước, lượng chất thải rắn (CTR) được xử lý bằng phương pháp đốt chiếm ưu thế, trong đó Đan Mạch đốt chất thải để thu hồi năng lượng gần như 100%. Còn ở châu Á, Trung Quốc là nước có bước khởi đầu việc phát điện từ rác thải khá muộn (năm 1987).

Tuy nhiên, đến nay, số lượng hệ thống đốt rác mới xây tại nước này chiếm hơn một nửa của thế giới, với khả năng thiêu đốt rác phát điện trên 300.000 tấn/ngày. Singarpore đốt phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện cho cả nước. Chỉ tro đốt và rác không thể tái chế hay đốt được, Singarpore mới chôn lấp. Nhật Bản là nước có tỷ lệ rác thải được xử lý bằng các phương pháp đốt cao nhất thế giới, khoảng gần 70 triệu tấn/năm với hơn 1.200 nhà máy.

Dù lựa chọn công nghệ tiên tiến nào thì việc phân loại rác vẫn là khâu quan trọng hàng đầu. Ảnh minh hoạ

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, giám đốc trung tâm ENTEC, cho biết hiện nay trên thế giới, việc thu hồi năng lượng từ rác được thực hiện bằng một số giải pháp như thu khí cháy từ bãi chôn lấp, ủ kỵ khí rác thải và đốt rác phát điện. Phương pháp ủ kỵ khí, giảm được diện tích chôn lấp, nhưng chỉ áp dụng được cho những chất thải có khả năng phân huỷ sinh học. Phương pháp thu khí cháy phụ thuộc vào sự có mặt của nước trong chất thải, bởi khí bãi chôn lấp không ra được khi chịu áp suất cao. Đối với phương pháp đốt thì không kén chọn loại chất thải nào, nhưng chất thải có thể áp dụng phương pháp này cần phải có nhiệt trị cao và độ ẩm thấp.

PGS Phùng Chí Sỹ cho biết thêm, có nhiều công nghệ đốt rác thải, nhưng có bốn nhóm công nghệ phổ biến nhất khi áp dụng trong các nhà máy đốt rác là: lò đốt buồng lửa có ghi cố định hoặc ghi động; lò đốt thùng quay; lò đốt tầng sôi; lò đốt kết hợp thùng quay; và buồng lửa. Mỗi công nghệ này đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.


Lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế

Ông Phan Trí Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Khoa học công nghệ PETECH, cho rằng để xử lý rác thải có hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường ở Việt Nam hiện nay, nên tích hợp bốn công nghệ: phân loại rác tự động bằng robot, biogas, plasma, kiểm soát khí thải và hai giải pháp quan trọng là thu hồi nhiệt, xử lý nước rỉ rác.

Đây cũng là tổ hợp công nghệ xử lý rác BioPlasma mà PETECH đang thực hiện tại nhà máy xử lý rác thải Đông Anh, Hà Nội, xử lý triệt để chất thải hữu cơ và vô cơ. Lượng phát thải vào khí quyển chất dioxin và Furans chỉ bằng 1% so với công nghệ đốt bình thường, tro còn lại chỉ khoảng 5%. Còn nếu đốt lò thường còn lại khoảng 20%, nên lại phải chôn lấp.

Theo ông Dũng, dù áp dụng công nghệ tiên tiến nào thì cũng nên sử dụng kết hợp với công nghệ biogas, bởi hiệu suất thu nhiệt theo công nghệ này cao hơn 10%, đồng thời chi phí vận hành, xử lý rác sẽ được giảm đi nhiều (10 USD/tấn rác, nếu sử dụng công nghệ BioPlasma).

Khí hoá cũng là một công nghệ được sử dụng trong đốt rác phát điện, được nhà máy Cơ khí chế tạo thiết bị môi trường của công ty TNHH Thuỷ lực – máy (Hà Nam) thực hiện. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng dây chuyền khép kín, không tốn quỹ đất để chôn lấp, không cần phải phân loại rác tại nguồn, không phát thải thứ cấp; và khi chuyển hoá rác thành khí gas tổng hợp không phát sinh mùi, nước, không cần ống khói, nên không gây ô nhiễm không khí.

Ông Đinh Ngọc Minh, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Năng lượng Xanh cho biết, thời gian qua, công ty đã nghiên cứu, phân tích thành phần rác tại Hà Nội và TP.HCM, cho thấy rác thải Việt Nam hoàn toàn phù hợp với công nghệ đốt sử dụng lò Martin (lò ghi động) cải tiến của Đức. Ưu điểm của công nghệ này là sử dụng mặt bằng nhỏ, xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, không phát tán mùi hôi, tự động hoá cao, có khả năng thay thế phụ tùng và hoàn vốn cao. Ngoài ra, các sản phẩm đầu ra của lò đốt được tận dụng gần như triệt để, để sản xuất gạch không nung (tro bay), hoặc bán phế liệu nếu là kim loại, nước thải được xử lý thành nước sạch để tái sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Minh, công nghê đốt rác Martin kinh phí đầu tư ban đầu cao và yêu cầu người vận hành hệ thống phải có chuyên môn.

PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng, dù lựa chọn công nghệ tiên tiến nào, thì việc phân loại rác vẫn là khâu quan trọng hàng đầu. Bởi rác Việt Nam không được phân loại tại nguồn, có lẫn rác thải nguy hại, động vật sống nên rất hôi thối, nên khi phân loại thủ công, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động. Vì vậy, cần phải áp dụng công nghệ phân loại rác tự động. Do chi phí đầu tư công nghệ đốt chất thải phát điện quá cao, nên để công nghệ này được triển khai thực tế, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ, bao gồm chi phí xử lý, giá điện, ưu đãi đất xây dựng nhà máy, phí, thuế… nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực này.