Sau ĐH Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trở thành đối tác thứ 2 ở Việt Nam được Tập đoàn Naver của Hàn Quốc lựa chọn tham gia dự án Vành đai Nghiên cứu AI toàn cầu.

Tại lễ ký kết ngày 20/8, hai bên đã thống nhất nội dung hợp tác gồm: Tổ chức các khoá học cho sinh viên gồm đào tạo về Embedded, IoT, AI, Big Data, Blockchain, Data; tổ chức chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên; chuyển giao và áp dụng các công nghệ, sản phẩm dịch vụ thế mạnh của Naver; phát triển giáo trình mới và các chương trình đào tạo quốc tế; cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực AI; tiến hành dự án đồng nghiên cứu giữa Naver và PTIT; …


Lễ ký kết giữa Naver và PTIT ngày 20/8. Ảnh: Naver

Naver cho biết lý do lựa chọn PTIT làm đối tác chiến lược trong dự án Vành đai Nghiên cứu AI toàn cầu (Global AI R&D Belt) bởi PTIT là đơn vị nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực trọng điểm của ngành thông tin và truyền thông Việt Nam.

“Nhiều lĩnh vực Naver quan tâm nghiên cứu cũng là trọng tâm chính của các phòng nghiên cứu thuộc PTIT, đặc biệt là các phòng nghiên cứu Đa phương tiện (Multimedia Labs) và phòng nghiên cứu Học máy & Ứng dụng (Machine Learning and Applications Labs) – nơi đã tập trung vào lĩnh vực AI và Học máy ngay từ đầu," thông cáo báo chí dẫn lời đại diện PTIT - Phó Giám đốc, PGS.TSKH Đặng Hoài Bắc. "Chúng tôi rất cảm kích khi Naver đồng ý hợp tác và sẵn sàng chia sẻ công nghệ cốt lõi cho việc phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam”.

Trước đó, ngày 15/7, Naver đã công bố hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong cùng dự án này.

Naver bắt đầu tiến hành dự án Vành đai Nghiên cứu AI toàn cầu từ tháng 10/2019 với mục đích trao đổi công nghệ và đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI giữa Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và Việt Nam. Tập đoàn công nghệ đa quốc gia này kỳ vọng dự án sẽ là đối trọng với những chương trình AI của các “gã khổng lồ” như Google và Amazon của Mỹ; Alibaba và Baidu của Trung Quốc.

Đến cuối năm 2019, Naver Labs Châu Âu ở Paris đã được hình thành từ 4 viện nghiên cứu AI do Naver mua lại từ năm 2017.

Đầu năm 2020, Naver bắt đầu xúc tiến gặp gỡ các chuyên gia công nghệ và các trường đại học uy tín ở Việt Nam để triển khai dự án tại đây.

Được mệnh danh là “Google của Hàn Quốc”, Naver sở hữu công cụ tìm kiếm với hơn 42 triệu người sử dụng, chiếm 75% thị phần Hàn Quốc. Năm ngoái, theo Reuters, Naver thu về lợi nhuận ròng 583 tỷ won, tương đương 483 triệu USD. Hiện vốn hóa thị trường của tập đoàn trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc là hơn 40 tỷ USD.

Mới đây, bà Han Seong Sook - Chủ tịch Naver, khẳng định, Tập đoàn sẽ đóng góp cho sự phát triển xã hội bằng dữ liệu. “Tôi hy vọng tài nguyên dữ liệu Naver hiện đang nắm giữ sẽ được sử dụng một cách tự do trong công trình nghiên cứu công nghệ AI và nhiều ngành công nghiệp khác nhau,” bà nói.

Trên thực tế, tại quê nhà, Naver đang chuẩn bị công khai bản đồ 3D dữ liệu hóa chi tiết các con đường chính của thủ đô Seoul, bao gồm cả biển hiệu giao thông, mà theo các chuyên gia sẽ có giá trị cao trong việc phát triển công nghệ tự lái và hệ thống định vị.