Ngày 25/9, UNBD TPHCM phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Khuyến cáo cho TPHCM”, trong bối cảnh Thành phố đang ở giai đoạn tăng tốc của đề án xây dựng thành đô thị thông minh.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; cùng hơn 400 đại biểu là các chuyên gia, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các sở ngành tại TPHCM.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần thứ hai hội thảo được tổ chức nhằm giúp Thành phố tiếp tục tìm hiểu sâu hơn kết quả nghiên cứu và ứng dụng AI hiện nay. Từ đó, tìm con đường ngắn nhất để ứng dụng AI trên diện rộng, trong bối cảnh Thành phố đang ở giai đoạn tăng tốc của đề án Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh.
“Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TPHCM xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới” – ông Phong nói.
Từ năm 2015, TPHCM đã đưa các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất với mức cho vay mỗi dự án 100 tỷ đồng. Cùng với đó, từ năm 2017, TPHCM đã tích hợp ứng dụng AI để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một trong những hạt nhân để phát triển thành phố trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền tảng triển khai thành công Đề án Đô thị thông minh.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm so với các đô thị trên thế giới. “Một trong những nguyên nhân là nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - đây là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI trên địa bàn thành phố” - ông Phong nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho rằng, nguồn nhân lực AI ở Việt Nam mới ở dạng tiềm năng và chưa được mài giũa. Bên cạnh đó, ông chỉ ra những thách thức khác, đó là chưa thực sự có nguồn dữ liệu lớn ở trong các ngành nghề, chưa có hạ tầng kỹ thuật lớn để có thể nghiên cứu, triển khai ứng dụng về AI. Để khắc phục ba điểm yếu trên, Bộ KH&CN đã có kế hoạch hỗ trợ các nhóm nghiên cứu liên kết với các doanh nghiệp, viện trường để triển khai nghiên cứu, xây dựng dữ liệu và triển kai kết nối cộng đồng, xây dựng các trung tâm xuất sắc về AI.
Đồng thời, Bộ KH&CN đã có những tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số chính sách thúc đẩy phát triển các công nghệ số, trong đó có AI. Cụ thể, đưa AI vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, xác định AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn cần triển khai nghiên cứu, phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm KC4.0 và Kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và phát triển công nghệ AI đến năm 2025";…
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN đề xuất tập trung một số trọng tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI như: Nghiên cứu phát triển sản phẩm trên nền tảng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý tín hiệu tiếng nói cho ngôn ngữ tiếng Việt và các tiếng dân tộc thiểu số tại Việt Nam; Xây dựng các mô hình hệ thống công nghệ nông nghiệp chính xác, kết hợp điều hành tự động và bán tự động trong canh tác từ xa; Xây dựng các cơ sở dữ liệu y tế toàn dân và các công nghệ tính toán, các giải pháp AI phục vụ khai thác các dữ liệu đặc trưng và đặc thù của người Việt; Xử lý dữ liệu số hóa về hệ thống lưới điện quốc gia; Hình thành các mô hình hệ thống sản xuất thông minh theo dây chuyền tự động, với hệ thống điều hành từ xa;…
PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đề xuất, TPHCM cần hợp tác với trường, viện nghiên cứu, các công ty có uy tín trên thế giới trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn về nghiên cứu và ứng dụng AI cho các chuyên gia, cán bộ công chức – viên chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Thành phố nên đầu tư một phòng thí nghiệm AI đặt tại Đại học Quốc gia TPHCM để thực hiện mục tiêu chiến lược như nghiên cứu đỉnh cao ở tầm khu vực và thế giới trong các lĩnh vực của AI như Thị giác Máy tính, Máy học, Xử lý ngôn ngữ nói và ngôn ngữ tự nhiên, ;…
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì cho rằng, ứng dụng AI cần tránh việc chỉ đơn thuần cố gắng tự động hóa các quy trình nghiệp vụ hiện tại. Quá trình số hóa thành công phải là cơ hội để cải cách, thay đổi tư duy và tinh giản hóa các quy trình.