Trong quá trình thực thi quan điểm “lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia”, các chương trình KH&CN quốc gia như những nhịp cầu kết nối khoa học với doanh nghiệp và thị trường.

Để quá trình đó diễn ra thông suốt, các nhịp cầu phải mang tính đồng bộ, liên thông và chung những tiêu chí xác định nhiệm vụ, dẫu chương trình do Bộ KH&CN hay các bộ, ngành khác quản lý.

Hoạt động sản xuất của công ty công nghệ sinh học Việt Á, doanh nghiệp tham gia hợp tác phát triển và sản xuất bộ kit SARS-CoV2, sản phẩm từ nhiệm vụ đặt hàng của Bộ KH&CN.

Quá trình tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN thực hiện đã diễn ra một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng trong vòng hơn một năm qua. Có lẽ, việc tạo dựng một nền tảng mà theo nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh “về thực chất là tạo ra cầu nối chính sách đưa các nhà khoa học đến với doanh nghiệp và cùng giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp” gặp nhiều vấn đề cần giải quyết hơn mường tượng ban đầu. Bối cảnh mới của một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi số với nhiều ý tưởng về chính phủ điện tử, thành phố thông minh và từng bước áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất đòi hỏi những nhà quản lý khoa học có một cái nhìn mới mang tính tổng thể, liên ngành.

Do đó, sự đồng bộ và thông suốt qua những chương trình KH&CN quốc gia, từ những chương trình đầu tư cho nghiên cứu cơ bản như NAFOSTED, phát triển tiềm lực như chương trình phát triển vật lý đến những chương trình liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như chương trình sản phẩm quốc gia, năng suất chất lượng, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường…, là những căn cứ quan trọng cho các nhà quản lý tiến hành xem xét, đánh giá. “Chúng ta tái cơ cấu các chương trình để hoàn thiện thêm những gì cần phải điều chỉnh. Điều đó không có nghĩa là chúng ta ‘xóa đi làm lại’ và loại bỏ những vấn đề mang tính căn cốt đã hình thành qua nhiều năm”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định lưu ý trong phiên họp của Bộ KH&CN vào cuối tháng 8/2020.

Loại bỏ những nội dung trùng lặp

Một trong những mục tiêu của quá trình tái cơ cấu là loại bỏ những nội dung trùng lặp hoặc quy những nội dung có nội dung tương tự nhau ở nhiều chương trình khác nhau về một mối, tránh tình trạng dàn trải và manh mún trong quản lý cũng như phân phối các nội dung chương trình như ở các giai đoạn trước. Đó là vấn đề được các đơn vị quản lý những chương trình KH&CN ở Bộ KH&CN thống nhất trong cuộc họp cuối tháng 8. “Với các chương trình KH&CN quốc gia, luôn luôn có một câu hỏi muôn thuở ‘có sự trùng lặp của nó với các chương trình khác hay không?’”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nêu tại phiên họp này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu trồng các giống lúa mới của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang. Nguồn: baoquocte.vn.

Đây cũng là băn khoăn của Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Đàm Bạch Dương, người có kinh nghiệm theo dõi và quản lý nhiều chương trình quốc gia qua nhiều giai đoạn. “Tôi thấy có thể tiến hành lồng ghép nhiều chương trình quốc gia lại với nhau được, ví dụ riêng lĩnh vực công nghệ sinh học thì hiện có những chương trình liên quan do Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT… quản lý”, ông nói.

Không riêng gì các chương trình do các bộ, ngành quản lý, một số chương trình quan trọng do Bộ KH&CN trực tiếp điều phối cũng có hiện tượng đó, đặc biệt với những chương trình gắn liền với doanh nghiệp như Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 đều có nội dung hỗ trợ thương mại hóa sáng chế, kết quả nghiên cứu. “Không có chuyện tiến hành nội dung hỗ trợ thương mại hóa sáng chế ở cả ba chương trình như vậy nữa. Trong quá trình tái cơ cấu lần này, chúng ta nên họp bàn để đưa nội dung đó vào một nơi hợp lý nhất và để nó phát huy được hiệu quả nhất”, thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết hướng giải quyết vấn đề này.

Để tồn tại sự trùng lặp các nội dung chương trình có thể dẫn đến việc trùng lặp các nhiệm vụ nghiên cứu và lãng phí các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Không chờ đến khi liên thông các chương trình lại với nhau theo một mạch thông suốt thì các nhà quản lý mới nhận thấy điều đó, như Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đến năm 2020 của Bộ Công thương, Chương trình trọng điểm phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực NN&PTNT đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT quản lý... Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, nêu điểm mới của các chương trình KH&CN quốc gia sau quá trình tái cơ cấu là phải đảm bảo đúng yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và yêu cầu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, “có một nguyên tắc là không được trùng lặp trong việc chi các dòng chi kinh phí. Theo đó thì nghiên cứu cơ bản thì về cơ bản đều được đưa về Quỹ NAFOSTED và các chương trình quốc gia như chương trình KC của Bộ KH&CN, còn các chương trình do các bộ, ngành khác quản lý phải gắn với mục tiêu kinh tế kỹ thuật của ngành mà không gắn với nghiên cứu cơ bản nữa”.

Do đó, trong tiêu chí xác định khung chương trình KH&CN quốc gia mới, một yếu tố mà Bộ KH&CN lưu ý là mỗi chương trình chỉ làm một việc chính trong khung tổng thể nhằm đảm bảo tính tách bạch về đối tượng, giai đoạn như nghiên cứu, phát triển công nghệ, thương mại hóa… và không làm những việc chương trình khác đã làm.

Một số tiêu chí để xác định khung chương trình tổng thể

Gắn nhiệm vụ KH&CN với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường; rút ngắn thời gian đề xuất – phê duyệt nhiệm vụ, trao quyền tự chủ tối đa cho tổ chức KH&CN và đặc biệt là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với mô hình tổ chức và quản lý của doanh nghiệp.
Tập trung hoàn thiện tiêu chí sản phẩm các chương trình quốc gia để công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và chuyển sang chế độ hậu kiểm. Đơn giản hóa thủ tục để thu hút doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, tiên phong của nền kinh tế.

Tập trung vào cả các sản phẩm của các chương trình quốc gia mà doanh nghiệp chỉ cần chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường, thâm nhập, mở rộng và làm chủ thị trường trong nước, nâng cao năng lực cạng tranh vươn ra thị trường quốc tế với các ngành có lợi thế tiềm năng.

Tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng và liên kết nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lan tỏa đến tất cả các thành tố trong hệ sinh thái ĐMST.


Sự liên thông và tương trợ giữa các chương trình

Lâu nay, trong nhiều diễn đàn KH&CN, các nhà khoa học vẫn thường nêu những băn khoăn về hiện tượng manh mún, dàn trải ở một số chương trình quốc gia mà hệ quả của nó là những vấn đề được giải quyết chưa đạt tới quy mô quốc gia như mong muốn, dù có “mũ” là nhiệm vụ cấp quốc gia. Một khía cạnh của vấn đề này cũng được Thứ trưởng Lê Xuân Định lưu ý trong buổi họp khi đề cập đến “những nhiệm vụ do địa phương đề xuất và thực hiện cũng phải hết sức rõ ràng và có đủ căn cứ pháp lý, không được phép ‘ẩn danh’ trong những cái ‘mũ’ như đề tài độc lập. Chúng ta cần phải xem xét các yếu tố là những đề tài, nhiệm vụ như vậy có đủ điều kiện để xứng đáng đứng trong một chương trình riêng hay không, nếu muốn được như vậy thì nó phải đáp ứng được vấn đề cấp vùng trở lên chứ không chỉ riêng vấn đề của một địa phương”.

Theo góc nhìn đó, để các chương trình có khả năng đem lại các kết quả nghiên cứu ở tầm quốc gia, không chỉ giải quyết vấn đề của một địa phương, cần có một khung tổng thể để các chương trình KH&CN quốc gia cùng có thể “soi” vào, lấy đó làm căn cứ để xây dựng nội dung chương trình. Theo đề xuất của các nhà quản lý Bộ KH&CN, một trong những tiêu chí xác định khung tổng thể này sẽ phải bao gồm việc xác định rõ điều kiện, đối tượng, mục tiêu, đầu vào, kết quả của một chương trình, đồng thời những nhiệm vụ trong chương trình phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định trong Nghị định 08/NĐ/2014 về nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia là phải được tuyển chọn, phải có tính liên ngành, ở quy mô vùng trở lên…

Qua nhiều thời kỳ triển khai các chương trình quốc gia, Bộ KH&CN đã góp phần đem lại nhiều kết quả có giá trị cho xã hội và nền sản xuất như các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chống chịu với hoàn cảnh bất lợi, nhiều công nghệ sản xuất các bộ sinh phẩm, vaccine, tế bào gốc, thuốc điều trị bệnh tật, nhiều thiết kế, công nghệ chế tạo liên quan đến in 3 D… đi kèm với việc góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN như đào tạo nhân lực, xuất bản quốc tế…

Tuy nhiên, một phần nguyên nhân khiến các kết quả đó còn chưa đem lại sản phẩm như mong đợi hoặc chưa có giá trị lan tỏa là do các chương trình quốc gia liên quan chưa có sự liên kết, chưa có sự liên thông để tạo ra chuỗi giá trị từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm. “Các chương trình của chúng ta chưa có tính kế thừa, chưa có sự chuẩn bị cho bước đi tiếp theo để một số sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ thuộc một số chương trình này có thể tiếp tục là đầu vào của chương trình khác. Từ trước đến nay, chúng ta chưa có yêu cầu hay ràng buộc nào như vậy”, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Đàm Bạch Dương nói.

Trong phiên họp tổng kết chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 – một chương trình tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa, ông Lê Tất Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục SHTT) cũng đưa ra một nhận xét, “khi nghe báo cáo các kết quả, tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa chương trình này với chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Cục SHTT. Tôi nghĩ, chúng ta nên kết nối với nhau ở một mức độ nào đó để đồng hành phối hợp, giúp doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ dễ dàng hơn”.

Tuy nhiên, việc kết nối và liên thông theo tính chất hoặc quy mô phát triển sản phẩm không phải đơn giản muốn là được bởi trên thực tế, các chương trình quốc gia rất đa dạng: có chương trình do Thủ tướng chính phủ thông qua, chương trình do Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt, chương trình do được các luật quy định “như một ngôi nhà nhưng có nhiều căn phòng khác nhau”. Để đảm bảo sự chỉnh thể của nó, theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, một trong những giải pháp quan trọng nhất là “chúng ta phải nhất quán một mô hình mang tính phổ quát, đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình nhất, tránh gây phức tạp cho những người quản lý và thực hiện các nhiệm vụ. Việc triển khai các chương trình trên một hệ tọa độ, một nền tảng sẽ giúp cải thiện những điều đó”. Đây cũng là cơ sở để Bộ KH&CN có thể áp dụng một văn bản hướng dẫn chung đối với các chương trình, qua đó có thể tiếp cận trình độ quản lý tiên tiến và bắt kịp sự thay đổi của bối cảnh KH&CN và bối cảnh xã hội.

Mặt khác, để phù hợp với những thay đổi trên nhiều góc độ như vậy, Bộ KH&CN cần một cơ chế quản lý mới, trong đó có cơ chế đồng quản lý đối với chương trình do các bộ ngành khác quản lý, nhằm đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ. Việc đề ra những cơ chế ấy không chỉ từ góc độ quản lý nhà nước mà còn cả “ý kiến của các nhà khoa học, viện trường, doanh nghiệp, những người đã tham gia hoặc là người thụ hưởng tiềm năng để các nhà quản lý có thể nắm bắt được yêu cầu của thực tiễn”, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết như vậy.