Phát triển nhanh năng lượng tái tạo trong khi nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành điện thì mới có thể đảm bảo cung cấp điện ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển KT- XH của đất nước.

Thiếu nguồn cung

Tại Hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nguồn điện, đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 28/5 tại TPHCM, ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, Việt Nam đã cơ bản khai thác hết các nguồn thủy điện lớn và vừa. Chỉ còn một số ít các dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp đang khai thác dần, tiềm năng khoảng 4.000-5.000 MW. Điện năng sản xuất từ thủy điện năm 2030 chỉ còn chiếm khoảng 12,4 %. Thủy điện có giá điện thấp nhất trong các loại nguồn điện, khoảng 1.000 đồng/kWh. Ngoài ra, hiện Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000 MW, từ Trung Quốc và Lào. Trong thời gian tới sẽ tăng cường nhập khẩu điện. Dự kiến sẽ mua thêm điện từ Trung Quốc, Lào khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030.

“Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ khung giá mua điện từ Lào, để làm cơ sở đàm phán mua điện nhập khẩu. Tuy nhiên tiềm năng mua cũng hạn chế và giá điện khả năng phải tương đương giá khu vực” – ông Lực cho biết.

Về nhiệt điện khí, theo ông Lực, tổng công suất các nguồn điện khí hiện nay khoảng trên 7.000 MW, sử dụng nguồn khí ở mỏ Nam Côn Sơn, Cửu Long ở Đông Nam Bộ, PM3, Cái Nước khu vực Tây Nam Bộ. Trữ lượng các mỏ khí này bắt đầu suy giảm. Một số dự án đang chuẩn bị đầu tư sử dụng khí Lô B và mỏ Cá Voi Xanh có giá điện cao, nhiều khả năng chậm tiến độ. Thủ tục đầu tư nhiều bước, thu xếp vốn khó khăn, thời gian đàm phán phát triển mỏ kéo dài…

o
Ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương

Với năng lượng tái tạo, các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại khu vực Miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa); Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk). Việc bổ sung quy hoạch tập trung một số tỉnh dẫn đến quá tải hệ thống truyền tải hiện có, cần phải đầu tư lưới điện 220-500 kV đồng bộ để giải tỏa công suất. Trong khi đó, điện mặt trời vận hành không ổn định do phụ thuộc thời tiết, giá điện cao, hiện nay khoảng 2.150 đ/kWh. Vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng và có giải pháp phù hợp để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định khi tích hợp lượng công suất lớn điện mặt trời vào hệ thống.

“Ngoài ra, điện gió cũng có giá cao, hoạt động kém ổn định, một số dự án NĐT chậm tiến độ, một số địa phương không ủng hộ xây dựng nên sẽ ảnh hưởng đến việc cấp điện từ năm 2025 – 2030, đặc biệt là các tỉnh miền Nam” – ông Lực nhấn mạnh

Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó trưởng ban phụ trách Ban chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cũng cho rằng, nguy cơ thiếu nguồn cung điện là rất lớn. Theo ông Minh, với tốc độ tăng trưởng phụ tải hàng năm bình quân trên 10% như hiện nay, mỗi năm hệ thống điện cần được bổ sung tối thiểu trên 6.000 MW công suất đặt. Năm 2018 toàn hệ thống điện mới sản xuất và mua được 212,9 tỷ kWh. Trong khi theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh thì đến năm 2030 cần sản xuất được 570 tỷ kWh. Hệ thống nguồn cần được bổ sung kịp thời để đảm bảo sản xuất thêm được hơn 360 tỷ kWh so với năm 2018 vào năm 2030.

Qui hoạch điện VII điều chỉnh trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện là 26.000 MW. Thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than/7.860 MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Còn trên 18.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong giai đoạn này nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng.

Có nên phát triển nhiệt điện than?

Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, nhiệt điện than vẫn là nguồn phát điện chủ yếu của thế giới hiện nay do giá thành sản xuất thấp nhất, sau thủy điện. Tuy nhiên, nhược điểm của nhiệt điện than là do đốt nhiều than nên thải nhiều chất nguy hại ra môi trường, chiếm nhiều diện tích đất để chưa than, tro xỉ. “Khi Việt Nam đã khai thác thủy điện triệt để; điện hạt nhân đã lui; điện gió, điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết thì cần phải phát triển NĐT, nếu không sẽ dẫn tới thiếu điện trầm trọng, thậm chí phải cắt điện” – TS. Nghĩa nói.

TS. Trần Trọng Quyết – Hội Điện lực miền Nam cho rằng, nếu không phát triển nhà máy NĐT, thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt 42,7% tổng công suất và 49,3% tổng sản lượng điện. Năm 2030, thiếu 42,6% tổng công suất và 53,2% sản lượng điện. “Khi thủy điện đã khai thác cạn kiệt, nhiệt điện khí chỉ chiếm tối đa 14,9%, năng lượng tái tạo phải có chính sách hợp lý của Chính phủ mới thu hút được đầu tư nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% thì trong vòng 20 năm tới, vẫn phải đầu tư xây dựng nhà máy NĐT. Tuy nhiên, một yêu cầu nghiêm ngặt khi xây dựng nhà máy NĐT là phải sử dụng công nghệ than sạch siêu tới hạn hoặc quá siêu tới hạn, nâng cao hiệu suất, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và có giải pháp hữu hiệu sử dụng tro, xỉ” – theo TS. Quyết.

Phát triển nhiệt điện than cần lựa chọn công nghệ sạch
Phát triển nhiệt điện than cần lựa chọn công nghệ sạch

Theo ông Lưu Văn Nhạnh, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh - tỉnh có nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, nhu cầu điện của Việt Nam trong thời gian tới còn rất lớn, nên NĐT vẫn quan trọng. “Tuy nhiên, cần giải quyết bài toán về môi trường để người dân xung quanh dự án có cái nhìn khác hơn về NĐT” – ông Nhạnh nhấn mạnh.

Ông Lực thì cho rằng, trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, cần phải phát triển triển đa dạng các nguồn điện: NĐT, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện. “Nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh, NĐT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành điện thì mới đảm bảo cung cấp đủ diện với giá hợp lý cho phát triển KT –XH của đất nước” - ông Lực nói.