Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho rằng nhiều dự án thủy điện quy mô lớn ở châu Âu và Mỹ đã trở thành các thảm họa môi trường.

Hàng chục đập thủy điện hiện đang được tháo dỡ hàng năm ở châu Âu và châu Mỹ, nhiều đập thủy điện trong số đó bị coi là nguy hiểm và không có hiệu quả kinh tế. Nhưng các tác giả của nghiên cứu lo ngại rằng các nước đang phát triển chưa nhận ra bản chất không bền vững của các dự án thủy điện.

Thủy điện là nguồn cung cấp 71% năng lượng tái tạo trên khắp thế giới và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhiều quốc gia. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết việc xây dựng các đập ở châu Âu và Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm vào những năm 1960 và giảm dần kể từ đó.

Hiện nay số lượng đập bị tháo dỡ nhiều hơn so với số xây mới. Thủy điện chỉ còn cung cấp khoảng 6% sản lượng điện ở Mỹ. Các đập hiện đang được loại bỏ với tốc độ trung bình hơn một đập một tuần ở cả hai phía của Đại Tây Dương.

Đập trên sông Elhwa bang Washington, Mỹ bị dỡ bỏ năm 2011

Vấn đề, theo các tác giả của bài báo mới này, là nhiều chính phủ bị mờ mắt bởi viễn cảnh điện giá rẻ mà không tính đến chi phí môi trường và xã hội đầy đủ của các đập thủy điện.

Hơn 90% số đập được xây từ những năm 1930 có chi phí vượt dự toán. Các đập này đã làm hư hại sinh thái sông, di dời hàng triệu người và đã góp phần vào biến đổi khí hậu với việc giải phóng khí nhà kính từ sự phân hủy của các vùng đất và rừng ngập nước.

Giáo sư Emilio Moran, tác giả nghiên cứu, thuộc Đại học bang Michigan, nói: “Họ dựng nên một bức tranh màu hồng về những lợi ích không thực tế, và bỏ qua các cái giá phải trả mà xã hội sẽ phải gánh chịu sau này”.

Báo cáo của ông trích dẫn ví dụ về hai con đập trên sông Madeira ở Brazil, được hoàn thành chỉ năm năm trước đây. Chúng chỉ sản xuất một phần nhỏ sản lượng điện dự kiến do biến đổi khí hậu.

Đập Hoover trên sông Mead, Mỹ đang chứng kiến mực nước giảm trong những năm gần đây

Ở các nước đang phát triển, ước tính có 3.700 đập lớn nhỏ, hiện đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Các tác giả nói rằng lo ngại lớn nhất của họ là nhiều dự án đập lớn sẽ gây thiệt hại không thể khắc phục được đối với các con sông chính.

Trên sông Congo, dự án Grand Inga dự kiến sẽ sản xuất hơn một phần ba tổng sản lượng điện hiện nay ở châu Phi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra rằng mục tiêu chính của dự án 80 tỷ đô la này là cung cấp điện cho ngành công nghiệp. "Hơn 90% sản lượng điện từ dự án này sẽ được tải đến Nam Phi để phục vụ khai thác mỏ và người dân Congo sẽ không được tiếp cận nguồn điện đó", Giáo sư Moran nói.

"Những người mà tôi nghiên cứu ở Brazil, đường dây điện chạy trên đầu họ để rồi đi tiếp 4.000km xa khỏi khu vực đó, chẳng có chút điện nào dành cho người dân địa phương."

"Mục tiêu tốt đẹp của điện khí hóa nông thôn đã hoàn toàn bị phá hoại bởi những người thực sự hưởng lợi từ thủy điện và đang thúc đẩy công nghệ này, và các chính phủ đang bị thuyết phục rằng thủy điện là con đường phù hợp."

Báo cáo chỉ ra rằng việc lắp đặt các đập lớn trên các con sông chính sẽ phá hủy các nguồn thực phẩm. 60 triệu người sống bằng ngư nghiệp dọc theo sông Mekong có khả năng bị ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ mất sinh kế ước tính trị giá 2 tỷ đô la. Các tác giả cũng tin rằng các đập sẽ làm mất đi hàng ngàn loài sinh sống trong các điểm nóng về đa dạng sinh học này.

Tại Brazil, 67% điện năng đến từ thủy điện, phản ứng của họ với việc giảm mực nước do biến đổi khí hậu là xây dựng thêm nhiều đập hơn.

Các tác giả nói rằng trong việc phát triển năng lượng tái tạo ở các quốc gia, kết hợp các nguồn năng lượng, trong đó có thủy điện, là cách tiếp cận bền vững nhất.

"Các thủy điện lớn không có tương lai, đó là kết luận thẳng thừng của chúng tôi," Giáo sư Moran nói. "Cần đầu tư nhiều hơn vào năng lượng mặt trời, gió và sinh khối, và sử dụng thủy điện khi thích hợp - miễn là đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe, chi phí và lợi ích cần phải thực sự minh bạch".

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Nguồn: