Các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương sẽ phải hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 sang ISO 9001:2015 trước ngày 30/6/2021.
Thông tin này được bà Nguyễn Thị Mai Hương – quyền Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tại hội thảo Hướng dẫn, phổ biến Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 do Tổng cục TCĐLCL tổ chức ngày 28/5 tại TPHCM.
Ngày 31/12/2015, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 4109/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia, trong đó có Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Bộ KH&CN cũng đã tổ chức xây dựng Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Mục đích của việc xây dựng mô hình khung này là tập trung vào xác định phạm vi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; hướng dẫn việc áp dụng theo các điều khoản của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 và mẫu quy trình xử lý công việc tại cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Tiếp theo đó, ngày 21/1/2019, Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 101/QĐ-BKHCN công bố Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương.
Ông Ngô Văn Long – Phụ trách Phòng Nghiệp vụ Tiêu chuẩn chất lượng, Trung tâm Đào tạo Tổng cục TCĐLCL, cho biết, so với TCVN 9001 : 2008, TCVN 9001 : 2015 có cấu trúc của tiêu chuẩn, thuật ngữ được thay đổi mà các đơn vị cần chú ý. Đó là các mục Giới thiệu; Phạm vi; Tài liệu viện dẫn; Thuật ngữ và định nghĩa; Bối cảnh của tổ chức; Lãnh đạo; Hoạch định; Hỗ trợ; Điều hành; Đánh giá kết quả thực hiện; Cải tiến. Trong đó, một số quy định được cụ thể, mở rộng hơn như môi trường làm việc (ISO 9001 – 2008) thì phiên bản ISO 9001 : 2015 quy định môi trường cho việc thực hiện các quá trình; sản phẩm được mua (2008) thành sản phẩm và dịch vụ được cung cấp (2015);...
“Đặc biệt, TCVN ISO 9001:2015 không còn quy định về đại diện lãnh đạo mà thay vào đó là lãnh đạo cao nhất chịu trách nhiệm và không yêu cầu phải có sổ tay chất lượng, xây dựng hệ thống tài liệu gọn nhẹ,phù hợp với năng lực của từng cơ quan hành chính nhà nước để tránh dư thừa, lãng phí” - ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, TCVN ISO 9001 là mô hình hệ thống quản lý chất lượng được xác định như một công cụ quan trọng hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức làm việc với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, công dân có liên quan. Việc xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của cơ quan để giảm thiểu phiền hà, nhũng nhiễu, minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
“Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 được ban hành mang tính hướng dẫn, tham khảo, nên căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ quan chủ động, tham khảo mô hình khung này và áp dụng, chuyển đổi theo TCVN ISO 9001:2015 cho phù hợp với tình hình thực tế, tích hợp với các quy định, phần mềm quản lý một cửa, một cửa liên thông, quản lý tài chính, nhân lực,..., lồng ghép với các hệ thống quản lý hiện có, sử dụng cùng một cấu trúc về các yêu cầu như đã nêu trong TCVN ISO 9001:2015 để điều hành” – ông Hiệp nói.