Một nghiên cứu thực nghiệm ở Quảng Nam đem lại tia hy vọng về phục hồi hệ sinh thái biển ở nơi các rạn san hô bị phá hủy.
Trong công trình “An effectiveness of artificial coral reefs in the restoration of marine living resources” (Sự hiệu quả của các rạn san hô nhân tạo trong việc phục hồi các nguồn sinh vật biển) xuất bản trên tạp chí Regional Studies in Marine Science, TS. Nguyễn Quốc Khánh (Đại học Nha Trang) và cộng sự đã tìm hiểu tác động của các rạn san hô nhân tạo lên hệ sinh thái biển ở Quảng Nam, vốn đã được nhiều nơi chứng minh hiệu quả. Trong thực nghiệm, họ đã dựng 500 san hô nhân tạo hình trụ trên một khu vực rộng 1,5km2 dưới biển để làm nơi cư ngụ cho các loài tôm cá, sau đó theo dõi sự quy tụ của cá trong vòng hai năm. Kết quả cho thấy cả số lượng loài và số lượng từng loài đều gia tăng: trước khi có san hô nhân tạo thì chỉ có 44 loại sinh vật biển nhưng chỉ sau một năm đã tăng lên 193 loài và hai năm là 237 loài. Do vậy, các tác giả cho rằng, có thể sử dụng san hô nhân tạo để phục hồi các nguồn lực tự nhiên.
Anh Vũ