Trái ngược với tư duy “văn minh lúa nước” trước đây, cho rằng chỉ nơi nào “trồng được lúa” thì mới có thể trở nên thịnh vượng, trù phú, khu vực Bắc Trung Bộ, mặc dù đất đai cằn cỗi và chịu nhiều thiên tai, nhưng thực ra lại đang sở hữu tiềm năng phát triển rất lớn.
Sáu tỉnh Bắc Trung Bộ và hành lang đường Hồ Chí Minh là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội lẫn an ninh quốc phòng của đất nước, nhưng đến nay vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu là do tự phát, manh mún, thiếu tính liên kết, cũng như chưa thật sự chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thúc đẩy đổi mới sáng tạo lẫn tính liên kết vùng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ tại khu vực Bắc Trung Bộ luôn là một nhiệm vụ cốt lõi, rất được nhà nước lưu tâm.
Đó cũng là chủ đề chính của Hội nghị “Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng chính quyền tỉnh Nghệ An tổ chức tại TP Vinh hôm 22/06. Đây cũng là sáng kiến nằm trong khuôn khổ hoạt động giao ban KH&CN các tỉnh Bắc Trung Bộ, cùng với Techfest 2018,Hội thảo "Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ",và lễ trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung Bộ diễn ra hôm 21/06 tại hội trường Đại học Vinh.
Trái ngược với tư duy “văn minh lúa nước” trước đây, cho rằng chỉ nơi nào “trồng được lúa” thì mới có thể trở nên thịnh vượng, trù phú, Bắc Trung Bộ, mặc dù đất đai cằn cỗi và chịu nhiều thiên tai, song cũng lại là nơi sở hữu điều kiện cực tốt để phát triển nông nghiệp trên quy mô lớn, dựa theo phương thức sản xuất công nghiệp lẫn ứng dụng công nghệ cao. Trên thực tế đã có một số bài học thí điểm thành công của các doanh nghiệp lớn, đầu tàu, như mô hình vùng trồng cây chanh leo của Công ty cổ phần NAFOODS; trang trại bò sữa và nông sản của Tập đoàn TH (Nghệ An); hay kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía, rau củ và hoa quả của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), … Đây thực sự là những đơn vị năng động, đang ngày càng khẳng định được vị thế, chất lượng và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị cao. Ngoài ra, Bắc Trung Bộ cũng có tiềm năng rất lý tưởng để phát triển vùng chuyên canh dược liệu và thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái liên kết vùng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh với bài phát biểu tại Hội nghị, trình độ sản xuất hàng hóa, trong đó có nông sản tại Bắc Trung Bộ là chưa cao, chất lượng chưa đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng cạnh tranh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ – tức đầu ra, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh lẫn thu nhập của người dân tại nhiều nơi hãy còn rất thấp. Do vậy, không thể không chủ động và ưu tiên áp dụng KH&CN vào thực tiễn, bên cạnh đẩy mạnh tính liên kết vùng để tạo đột phá, đưa các tỉnh dọc hành lang phát triển.
Đồng tình với quan điểm trên của Bộ trưởng, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương và đại diện doanh nghiệp tới tham gia Hội nghị đã tập trung thảo luận, cùng phân tích những vấn đề trọng tâm, để đưa ra giải pháp cho phù hợp. Sau đây là một vài khuyến nghị của các đại biểu:
Thứ nhất, khu vực Bắc Trung Bộ cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng; hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư (doanh nghiệp); đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, tạo và củng cố mối liên kết đồng thuận ba bên giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, phải xác định cho được các sản phẩm chủ lực, mang lợi thế của vùng để ưu tiên đầu tư, bên cạnh xây dựng các giải pháp kỹ thuật hoàn chỉnh (như lựa chọn công nghệ, mô hình, …) để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển. Ở đây, cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp.
Thứ ba, các Bộ chủ quản cùng địa phương cần thực hiện những nghiên cứu sâu sát để ban hành chính sách hiệu quả và đồng bộ, từ trung ương đến địa phương nhằm tạo cú hích thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tới đầu tư, bên cạnh tháo gỡ vướng mắc cho người dân để tận dụng hết các lợi thế do tuyến đường Hồ Chí Minh mang lại, lẫn phát huy được hết các tiềm năng của khu vực Bắc Trung Bộ.
Thứ tư, những giải pháp liên quan đến KH&CN được ban hành cần tập trung vào lựa chọn các doanh nghiệp xứng đáng để nhận đầu tư, hỗ trợ trong nghiên cứu (giống, sản phẩm mới, ...) và phát triển ứng dụng lẫn đổi mới công nghệ (trong chế biến, bảo quản nông sản, …) góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, bên cạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu, gắn với tạo lập thị trường tiêu thụ.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cam kết các Bộ sẽ luôn đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp hóa, lẫn đổi mới sáng tạo tại hành lang đường Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung Bộ.