Đó là ý kiến của ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) trong diễn đàn Kết nối nguồn lực khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và Logistics, diễn ra sáng ngày 4/12 trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2019 ở Quảng Ninh.
Hiện nay, dịch vụ Logistics tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 12-14%/năm, đóng góp 4-5% vào trong GDP. Tuy nhiên, chi phí logistics so với GDP của Việt Nam đang ở mức 16.8% - khá cao so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương đương với giá trị khoảng 40 tỷ USD. Để giảm chi phí trên, một trong những biện pháp quan trọng là sử dụng công nghệ.
Khảo sát của VLA năm 2018 cho thấy mức độ áp dụng công nghệ của các công ty trong ngành còn thấp nhưng đã có cải thiện rõ rệt, từ mức 15-25% trong 2016 đạt khoảng 40% năm 2018 tùy loại hình dịch vụ. So với các ngành như truyền thông, bán lẻ khác thì tốc độ chuyển đổi số của ngành logistics còn diễn ra khá chậm. Nhưng khó khăn này cũng chính là cơ hội thị trường lớn để các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào giải các bài toán khó.
Việt Nam đã có một số công ty startup tiêu biểu về giải quyết vấn đề logistics như Abivin (xây dựng lộ trình tối ưu, quản lý kho, quản lý vận tải cho doanh nghiệp), Logivan (kết nối mạng lưới xe tải với đơn hàng), FastGo (kết nối tài xế với khách hàng), Xeca (bán vé và quản lý vận tải cho hãng xe khách)...Tuy nhiên, phần lớn các startup hiện vẫn chỉ đang tập trung vào một vài công đoạn rất nhỏ trong khi dịch vụ logistics đang có 17 phân ngành, với những loạt hoạt động khác như kho bãi, xếp dỡ, vận đơn, thương mại điện tử, thu hộ, dán nhãn..
“Các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp hỗ trợ ngành logistics tương lai nên có một góc nhìn tổng quan hơn về tất cả những hoạt động cốt lõi của ngành”, ông Đào Trọng Khoa nhận xét. Hiện VLA có 3 dự án chính đang kêu gọi startup đủ năng lực hợp tác, bao gồm: nghiên cứu và phát triển các giải pháp số hóa các hoạt động cốt lõi của dịch vụ logistics; dự án về lệnh giao hàng điện tử (e-DO) và số hóa vận đơn FIATA; phát triển nền tảng số cho dịch vụ logistics để kết nối các bên liên quan trong chuỗi cung, tăng tính hiện diện và khả năng truy cập end-to-end.
Ngô Hà