Bài toán sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh mới dưới tác động của CMCN 4.0 đặt ra cho dệt may Việt Nam rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Để có thể gia nhập chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, dệt may Việt Nam cần những chuyển biến nội tại đi kèm cái nhìn mới về một môi trường kinh doanh khác biệt với môi trường truyền thống.
Là đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia 2019-2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” (KC4.0/19-25), “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với ngành Dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030”, do Tổng công ty Dệt may VN, ĐH Công nghiệp Dệt may HN, Viện NC Dệt may và Viện Kinh tế và Quản lý (ĐH Bách khoa HN) thực hiện, đã góp phần soi chiếu toàn cảnh hiện trạng dệt may VN cũng như giới thiệu những cách thức quản lý và sản xuất mới cho các doanh nghiệp dệt may. Do đó, tại hội thảo “Ngành Dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức ngày 6/9/2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, chủ nhiệm Chương trình KC4.0, đã đánh giá, những vấn đề mà đề tài đặt ra hết sức sát sườn, kịp thời và đưa đến “một cách tiếp cận CMCN4.0 khác biệt dưới góc độ chuyên sâu trong lĩnh vực của mình, không chỉ về công nghệ mà còn ở cách thức quản lý”.
Nhấn mạnh đến ý nghĩa của đề tài với sự phát triển trong tương lai của cả ngành dệt may cũng như của từng doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, nói: “Câu chuyện của hội thảo này là câu chuyện từ người trong cuộc, của Phú Bài, Hanosimex, May 10, Hòa Thọ, Phong Phú…, những người đã trả lời hàng trăm câu hỏi của nhóm nghiên cứu. Thực sự, họ là những người ‘nóng ruột’ nhất trong câu chuyện áp dụng công nghệ 4.0”.
Độ sẵn sàng của doanh nghiệp dệt may VN
Mối quan tâm chung của mọi thành viên tham dự hội thảo, ngay cả những người ngoài ngành dệt may, là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang sở hữu những công nghệ nào, liệu có thể áp dụng các công nghệ 4.0 và chuyển sang sản xuất thông minh không và nếu có thì ở thời điểm nào? Sự quan tâm này cũng dễ hiểu bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, dệt may là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước khi đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc và chiếm tới 14,5% kim ngạch xuất khẩu.
Nhưng trước khi trả lời được những câu hỏi đó, chúng ta cần biết mình đang ở đâu, trình độ của chúng ta như thế nào và thậm chí cần tính đến cả việc nếu có thay đổi thì các vấn đề xã hội, việc làm của ngành dệt may ra sao, cả TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, và Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đều nêu quan điểm. Để làm rõ những vấn đề đặt ra, nhóm nghiên cứu đã gửi phiếu điều tra tới 300 doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam và trực tiếp khảo sát tại 100 doanh nghiệp từ Bắc chí Nam, bao gồm nhiều loại hình doanh nghiệp: công ty cổ phần mà nhà nước nắm cổ phần chi phối, công ty Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty tư nhân… Việc lựa chọn các đối tượng khảo sát như thế này là vì “chúng tôi muốn đánh giá từng mức độ và khả năng tiếp cận CMCN4.0 của họ”, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Dệt may VN và là thành viên của nhóm nghiên cứu, giải thích.
Tốn không ít thời gian và công sức để khảo sát cả trăm doanh nghiệp trong khoảng thời gian không dài nhưng bù lại, sau khi tổng hợp và hệ thống các số liệu, nhóm nghiên cứu đã vẽ được một bức tranh toàn cảnh về ngành dệt may Việt Nam, bao trùm toàn bộ bốn lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, may, với tất cả điểm mạnh điểm yếu về công nghệ, nguồn nhân lực, trình độ quản lý, tổng vốn đầu tư…, nghĩa là tất cả những yếu tố cần tính đến khi bước vào hoạt động trong một môi trường kinh doanh mới.
“Khi thực hiện đề tài, chúng tôi rất muốn tìm hiểu về nhận thức của ngành dệt may với CMCN4.0”, TS. Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ. Vậy câu trả lời là gì, thật bất ngờ là điểm mạnh lớn nhất của các doanh nghiệp đều là việc người lãnh đạo đều đánh giá cao lợi ích của CMCN 4.0: gia tăng lợi thế cạnh tranh, tiết giảm lao động, hỗ trợ ra quyết định điều hành, an toàn trong vận hành, nâng cao năng suất chất lượng, giảm thời gian và chi phí sản xuất… “Đây là nhận thức rất quan trọng bởi khi chúng ta muốn làm một cái gì đó mới ở quy mô lớn và đòi hỏi chi phí đầu tư cao thì nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định”, ông giải thích.
Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp này là nguồn nhân lực: trình độ nhân lực phổ thông chiếm tỷ lệ tương đối cao là 84, 4% trong khi trình độ ĐH và trên ĐH là chỉ chiếm 5%, trình độ cao đẳng là 10,5%. Đây là những điểm mà ngành dệt may cần khắc phục bằng đào tạo khi áp dụng công nghệ 4.0.
Vậy họ có đủ cơ sở để tự tin đưa công nghệ 4.0 vào phục vụ công việc sản xuất và kinh doanh của mình? Nếu dựa trên thang đo của Đức với các mức 1 bắt đầu tiếp cận CMCN 4.0 (new comer), mức 2-3 bắt đầu học hỏi với mức độ đầu tư trang thiết bị từng công đoạn riêng lẻ trong dây chuyền sản xuất (learner) và mức 4-5 xác nhận mục tiêu chiến lược với nhà máy thông minh đầy đủ (leader) thì độ sẵn sàng hội nhập của các doanh nghiệp ở từng lĩnh vực khá khác biệt: sợi cao nhất với tổng điểm 3,02, tiếp theo là dệt 2,05, nhuộm 2,3 và may 2,85. Điều đó cho thấy, trong ngành dệt may thì “mức sẵn sàng cho CMCN4.0 của sợi ở mức cao nhất, tức là bắt đầu có phần đầu tư cho công nghệ 4.0 nhưng vẫn chưa có chiến lược mục tiêu hẳn quy trình tổ chức thực hiện một chiến lược lâu dài”, TS. Hoàng Xuân Hiệp nhận xét.
Khi đầu tư vào công nghệ 4.0, doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp phải những rào cản: tác động bên ngoài là chi phí cao, công nghệ phức tạp, thiếu kiến thức, thiếu nhân lực phù hợp; tác động từ bên trong là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo, riêng với ngành dệt là thiếu 100%.
Theo thông tin trao đổi bên lề hội nghị với TS. Hoàng Xuân Hiệp, hiện nhà máy sợi Phú Cường quy mô 30.000 cọc sợi của Vinatex ở Đồng Nai mới đi vào hoạt động từ năm 2016 đã có dây chuyền sản xuất thông minh do phần mềm vận hành từ khâu đầu đến khâu cuối chu trình.
Sự năng động trong áp dụng công nghệ cao không chỉ của riêng ngành sợi. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 đã tự tin cho biết, dù là khâu cuối cùng của ngành dệt may và khâu tự động hóa thấp nhất trong chuỗi sợi dệt nhuộm may thì “May 10 đều có cả các máy móc thiết bị hiện đại nhất thế giới”. Do tính chất khác biệt của các sản phẩm may mặc, từ áo phông (T-shirt) đến jacket, veston mà có những dây chuyền và chu trình sản xuất khác nhau, ví dụ “hãng Hugo Boss nổi tiếng với sản phẩm sơ mi thì họ cũng mới có một nhà máy thông minh gần như tự động các khâu còn với veston, nếu máy móc từng công đoạn thay thế được con người thì khoảng 30% thôi, do đó định nghĩa sản xuất thông minh veston theo kiểu đầu này là bò, đầu kia là xúc xích thì chưa được đâu”, ông giải thích.
Có cần sớm “đồng bộ hóa” sản xuất thông minh?
Câu chuyện sản xuất thông minh với nhiều lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro đã đặt toàn bộ ngành dệt may Việt Nam trước sự lựa chọn: cần thiết hay không việc chuyển đổi sang mô hình phát triển tiếp cận CMCN 4.0. Trên cơ sở khảo sát nhiều nhà máy ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Israel, ThS Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex và thành viên của nhóm nghiên cứu, cho rằng cần thận trọng trong đầu tư bởi “mặc dù nhìn thấy bài toán hiệu quả kinh tế nhưng chúng ta cần tính đến các yếu tố khác khi đầu tư công nghệ 4.0, trong đó có vấn đề đơn hàng và thị trường. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Tuy nhiên chúng ta sẽ tham gia như thế nào chứ không phải tham gia bằng mọi giá. Nếu đầu tư thiết bị để rồi sau đó không có đơn hàng hoặc đơn hàng quá ít thì hiệu quả đầu tư không có”.
Ông phân tích trường hợp của lĩnh vực may. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nhà máy thông minh với nhiều công đoạn, đặc biệt là doanh nghiệp có đơn hàng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa được như vậy. Trong khi đó, suất đầu tư vào máy móc, công nghệ gấp khoảng 10 gần so với công nghệ thông thương, khoảng 1 tỷ 1 suất đầu tư robot. Với một nhà máy khoảng 350 lao động, mỗi lao động điều khiển 2 robot, cần 700 robot để đem lại năng suất gấp 26 lần và một năm cho 30 triệu sản phẩm. “Chỉ khi quy mô đơn hàng của chúng ta rất lớn mới có thể đầu tư thế được”, ông nói. Đây cũng là con số mơ ước của các doanh nghiệp ngành may Việt Nam.
Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia của ngành dệt may. TS. Hoàng Xuân Hiệp cho rằng, kinh phí đầu tư cho công nghệ 4.0 lớn nên doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm thì vốn đầu tư phải trên 100 tỷ còn với các doanh nghiệp ngành may, ngưỡng này là mức trên 50 tỷ, nếu vốn dưới ngưỡng thì không đủ tiềm lực đầu tư trong thời gian ít nhất 10 năm nữa. Như vậy, “nhu cầu đầu tư chỉ xảy ra với những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, không phải xảy ra với tất cả các doanh nghiệp sợi dệt nhuộm, may như chúng ta vẫn tưởng tượng”, ông nói.
TS. Hoàng Xuân Hiệp nhắc lại lời chia sẻ của TS Nguyễn Đức Kiên, “nếu xuất phát điểm của chúng ta thấp, và chúng ta cứ làm theo kiểu mơ mộng quá, cái gì cũng muốn làm thì không thể làm được và với ngành dệt may thì đúng là như vậy”.
Chính sách cho ngành dệt may
Những bàn thảo về tương lai ngành dệt may Việt Nam trước CMCN4.0 đã cho thấy, các doanh nghiệp cũng như những nhà quản lý của ngành quan tâm đến sản xuất thông minh như thế nào. Mặc dù cùng chung nhận định “chúng ta ngồi ở đây bàn về đổi mới ngành dệt may theo cách có tiền, có đơn hàng, có thị trường thì mới đổi mới công nghệ, còn chưa có thì từ từ” và nhắc đến cái ổn định là “khách hàng vẫn chấp nhận về chất lượng, chúng ta vẫn chấp nhận được về giá thành trên thiết bị hiện nay” nhưng ông Lê Tiến Trường cũng nhắc nhở mọi người, “vấn đề là cần rõ thêm từ từ trong bao lâu vì cái từ từ của mô hình kinh doanh kiểu cũ là đứng ngoài môi trường kinh doanh mới”. Môi trường mới mà ông đề cập đến ở đây quả là có nhiều sức hút, ví dụ trước đây người làm sợi tại Việt Nam có lẽ không thể thấy phản hồi của người mặc áo dệt từ sợi của mình và cũng không thể truy vết được sợi VN được dệt nên cái áo của ai, ở đâu, hãng nào nhưng ngày nay, hoàn toàn với môi trường mới, công nghệ mới liên kết các dữ liệu thì có thể có được thông tin…
Với mong muốn thúc đẩy những đổi mới sáng tạo của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường cho rằng, điểm thuận lợi lớn nhất của ngành là “doanh nghiệp bao giờ cũng có thể tìm ra cách tốt nhất để làm” nhưng họ vẫn cần những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước để đầu tư công nghệ 4.0. “Không xin thêm tiền đầu tư nhưng vẫn cần chính phủ giải quyết một số vấn đề cốt lõi”, ông nói.
Theo ông Lê Tiến Trường, những vấn đề cốt lõi đó là nếu doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ 4.0, đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng thì có được sử dụng lợi nhuận trước thuế không, có được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào đó không? Ông phân tích, “thay vì thu 21% như quy định, nếu chính phủ cho phép doanh nghiệp tái đầu tư vào công nghệ thì đã là một nguồn động viên lớn cho rồi”.
Mặt khác, nếu để đổi mới công nghệ 4.0, bên cạnh việc đặt mua của các hãng nước ngoài, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác trong nước nội địa hóa sản phẩm hoặc kết hợp thành chuỗi để có thể đi với nhau ngay từ đầu, đặt hàng họ nghiên cứu tạo ra sản phẩm dành riêng cho mình… Ông Lê Tiến Trường dự đoán có một số trường hợp có thể xảy ra: doanh nghiệp sẽ đặt hàng không qua đấu thầu, doanh nghiệp có thể mua sản phẩm giá cao vì sản phẩm đầu tiên có thể đắt. “Nếu không giải quyết được vấn đề này thì vấn đề liên kết chuỗi, nội địa hóa chắc chắn chỉ tồn tại trên giấy, không bao giờ thành hiện thực”, ông nói.
Với góc độ một doanh nghiệp có nhiều chủ động đầu tư cho công nghệ mới, ông Thân Đức Việt cho rằng, nếu không có hỗ trợ rất lớn về chính sách từ chính phủ thì doanh nghiệp sẽ vẫn loay hoay, ngay cả có sự giúp sức của Vinatex thì cũng khó có thể làm được. “Có lẽ chính phủ không chỉ cần ban hành chính sách về tài chính đâu mà chỉ cần quan tâm, tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 cho ngành dệt may”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, ngành Dệt May Việt Nam đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc, tạo công ăn việc làm cho 2,7 triệu lao động, chiếm tỷ lệ 25% tổng số lao động trong ngành công nghiệp, chiếm 5% tổng số lao động, doanh thu toàn ngành đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16.6% so với năm 2017, trong đó chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc (80%), vải (6%) và xơ, sợi (11%).
Còn theo số liệu của Hải quan VN, ngành Dệt may chiếm tỷ lệ 14,5% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu, sau điện thoại các loại và linh kiện. |