Mới đây, nhóm nghiên cứu của Phòng Sinh vật phù du, Viện Hải dương học, đã công bố bài báo trên tạp chí Journal of Phycology về kết quả nghiên cứu có giá trị phát hiện quan trọng trong phân loại vi tảo đối với thế giới.
Loài tảo hai roi Ostreopsis siamensis được nhà khoa học Đan Mạch Johannes Schmidt phát hiện đầu tại vùng phía Nam Koh Chang, Vịnh Thái Lan vào năm 1901 và 80 năm sau, Fukuyo (1981) mô tả chi tiết loài này được tìm thấy ở quần đảo Ryukyu (Nhật Bản). Nhiều năm sau này, các nhà khoa học trên thế giới đã xác định có khoảng 11 loài thuộc chi Ostreopsis. Các loài hầu như có cùng một kiểu hình và hoàn toàn giống nhau về số lượng các tấm vỏ, do vậy việc định loại buộc phải dựa trên cả các đặc trưng về hình thái học và di truyền. Các mô tả thường dựa trên một kiểu hình thu được từ tự nhiên hoặc là trong nuôi cấy với sự biến đổi dị thường của tế bào đã không trùng khớp với mô tả của Schmidt (1901).
Các nghi vấn được đặt ra là “Liệu loài O.siamensis có thay đổi hình thái sau hơn 100 năm với những biến đổi của môi trường và của sự nóng dần lên của Trái đất; loài này có thật hay nó không còn tồn tại trong môi trường biển?”. Các nhà khoa học không tìm thấy các mẫu vật chuẩn lưu trữ trong các bảo tàng đương thời và chính đều này đã tạo nên nhiều tranh cãi trong phân loại học.
Dựa vào bằng chứng về hình thái học và di truyền học của các mẫu vật thu thập từ Côn Đảo, ven bờ Mỹ Hòa (Phan Rang, Ninh Thuận), vịnh Nha Trang, Gềnh Ráng (Quy Nhơn), bài báo chứng minh mẫu vật tại Việt Nam hoàn toàn tương đồng với mô tả gốc của Schmidt (1901) và có cùng kiểu gene, xác định một cách rõ ràng vị trí phân loại loài Ostreopsis siamensis mà các nhà tảo học đã ít nhiều nhầm lẫn trong suốt 100 năm qua.
Theo Viện Hải dương học