Bên cạnh những bài toán theo phong cách truyền thống, kỳ thi có thêm những bài toán ứng dụng thực tế, đòi hỏi thí sinh xây dựng mô hình toán học, sau đó dùng công cụ toán học để tìm lời giải cho bài toán thực tế.
Sau hai năm gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 và một năm thi trực tuyến, kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên và Học sinh đã trở lại với số thí sinh tham dự vượt trội bởi “nhiều sinh viên yêu toán đã rất mong đợi kỳ thi này”, theo GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức.
Trao đổi với Khoa học & Phát triển, GS Vũ Hoàng Linh cho biết, lượng thí sinh ở kỳ thi năm nay tăng khoảng 10% so với kỳ thi trực tiếp gần nhất diễn ra vào năm 2019.
Một điểm nổi bật khác về kỳ thi năm nay, đó là Ban giám khảo có chủ trương ra đề thi mang tính ứng dụng hơn. “Bên cạnh những bài toán theo phong cách truyền thống, có thêm những bài toán ứng dụng thực tế, trong đó thí sinh cần xây dựng mô hình toán học, sau đó dùng công cụ toán học để tìm lời giải cho bài toán thực tế,” ông Linh phát biểu trong lễ bế mạc kỳ thi tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, sáng 8/4.
Thông báo kết quả kỳ thi, ông Linh cho biết, khối sinh viên thi tập trung tại Trường ĐH Sư phạm Huế từ ngày 2-8/4. Có 615 sinh viên của 84 trường đăng ký với 713 lượt thi - gồm 368 lượt thi môn Đại số và 345 lượt thi môn Giải tích. Ở mỗi môn thi, các trường đăng ký theo hai bảng A và B. Hai bảng đều có phần đề thi chung nhưng “có thể hiểu là Bảng A khó hơn, thường dành cho những trường đại học có ngành toán hoặc liên quan nhiều đến ngành toán. Bảng B có nội dung thi đã được giảm nhẹ,” ông Linh giải thích với Khoa học & Phát triển. Lượng thí sinh năm nay nghiêng về bảng B, nhưng sự chênh lệch không nhiều.
Tổng cộng có tất cả 62 giải Nhất, 126 giải Nhì, 191 giải Ba được trao cho sinh viên. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao một số giải Khuyến khích cho các thí sinh có điểm gần giải chính thức hoặc cao nhất đội.
Có 4 sinh viên đạt 2 giải nhất là: Ngô Quý Đăng và Trần Ngọc Hiếu (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội); Nguyễn Mạc Nam Trung (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM); và Dương Thanh Tùng (Trường ĐH FPT). Trong đó, sinh viên Ngô Quý Đăng thủ khoa môn Đại số (28,5/30 điểm) và đồng thủ khoa môn Giải tích (30/30 điểm).
Có 2 sinh viên nữ đạt giải nhất là Cù Thị Kiều Trang (ĐH Hùng Vương, Đại số Bảng B) và Nguyễn Thị Bích Ngân (ĐH Tài chính-Marketing, Giải tích Bảng B).
Các đoàn có thành tích tốt nhất gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM ở bảng A; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Vinuni, Trường ĐH FPT ở Bảng B.
Trước đó, trong hai ngày 18–19/3, kỳ thi dành cho khối học sinh THPT đã được tổ chức tại từng trường với sự tham gia của 380 học sinh của 46 trường chuyên. Nội dung thi bao trùm một số vấn đề của toán sơ cấp có liên quan tới toán cao cấp. Kết quả có 34 giải Nhất, 67 giải Nhì, và 99 giải Ba.
Ba học sinh có thành tích cao nhất là: Phạm Gia Hưng (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) đạt 53/60 điểm; Trần Gia Định (Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình) - 48/60 điểm, Lê Mạnh Khiêm (Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) - 47/60 điểm.
Một số trường đạt thành tích tốt nhất gồm THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình; THPT chuyên Hà Tĩnh; và THPT chuyên Vĩnh Phúc.
Nhân kỳ thi này, gần 1.000 học sinh THPT được nghe một số bài giảng về Hình học, Số học và Đại số do các chuyên gia bồi dưỡng học sinh giỏi dạy trực tuyến.
Olympic Toán học Sinh viên và Học sinh được tổ chức hằng năm nhằm thúc đẩy phong trào học toán trong học sinh, sinh viên; và phát hiện, bồi dưỡng các học sinh, sinh viên giỏi toán.
Kỳ thi năm nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Toán học Việt Nam; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội; Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán… tổ chức.
Kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên và Học sinh năm 2024 sẽ được tổ chức tại Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).