Nhà đầu tư chỉ quen thẩm định và thích mua các dự án có sẵn thị trường; thiếu vai trò của các doanh nghiệp lớn trong việc dẫn dắt và tạo ra động lực... - đó là những thách thức chính đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub (SIHUB) - tại Hội thảo “Khởi nghiệp ứng dụng KH&CN khu vực Tây Nam bộ và TPHCM” do Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH&CN, thuộc Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với Trung tâm Phát triển KH&CN trẻ Thành đoàn TPHCM tổ chức ngày 11/12 tại TPHCM.

Ông Tước cho biết, các dự án khởi nghiệp của Việt Nam phần lớn đều ở quy mô nhỏ, số lượng đầu vào nhiều nhưng tỷ lệ thành công còn thấp. Ngoài các lý do nêu trên, ông Tước cho rằng, các dự án khởi nghiệp hiện nay đang sử dụng nhiều công cụ hiện đại như AI, IoT,… không phải để tạo ra sản phẩm mà để phục vụ cho việc quản trị dự án, nên tính mới, đột phá của sản phẩm còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Tước là do các nhà đầu tư chỉ quen thẩm định và thích mua các dự án có sẵn thị trường, hơn là quan tâm đầu tư những dự án có tiềm năng về yếu tố công nghệ.

“Thực chất, cũng là do nhà đầu tư thiếu kênh tư vấn để thấy được các yếu tố công nghệ của dự án, thiếu những thông tin đánh giá tác động, xu hướng của công nghệ đến thị trường”- ông Tước nói và cho biết, một yếu điểm nữa các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là thiếu vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. Trong khi ở các nước, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thành công.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành SIHUB
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành SIHUB

Ông Nguyễn Anh Thi – Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM - thì nhấn mạnh vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đây là nơi cung cấp nguồn cung tài năng, công nghệ và cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm có thể mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận. Tuy nhiên, số lượng sinh viên trong các trường đại học có thiên hướng khởi nghiệp chỉ chiếm từ 2 – 3%, còn số sinh viên khởi nghiệp thực sự thì ít hơn rất nhiều.

Ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN
Ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN

Bà Nguyễn Phú Hòa – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ Đại học Nông lâm TPHCM - cũng cho biết, rất ít sinh viên tham gia các dự án khởi nghiệp do vướng bận việc học tập, thi cử. Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo tại Trung tâm là của cựu sinh viên. Những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường như mất nhiều thời gian chờ cấp phép lưu hành sản phẩm; khi đưa sản phẩm vào siêu thị phải chiết khấu cao đến 45%;…Vì vậy, bà Hòa cho rằng, để hỗ trợ sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm mới, chính sách ưu đãi chi phí xét nghiệm các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm, chiết khấu khi đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng;…

Theo ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang có nhiều khởi sắc và phát triển. Nếu trong các trường đại học, huy động được lực lượng sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên tham gia phong trào khởi nghiệp thì sẽ tạo được một hệ sinh thái khởi nghiệp rất tốt. Vì vậy, cần khuyến khích đội ngũ này tham gia khởi nghiệp nhiều hơn, cũng như có những bước chọn lọc những ý tưởng, dự án có tính khả thi cao để hỗ trợ đưa vào thực tiễn.