Đây là dự án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam tập trung vào việc cải thiện năng lực và khung pháp lý cho các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động BIPP ngày 22/11, ông Paul Jansen, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, nói: “Tôi rất tự hào rằng Dự án BIPP đã đóng góp thêm những bước tiến, tầm nhìn và bài học quan trọng và hữu ích để mở khóa thành công cho sự phát triển mạnh mẽ của nhân tố tư nhân tại Việt Nam và giúp kinh tế Việt Nam nắm bắt được những cơ hội đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”
Để đưa ra định hướng phát triển cho các vườn ươm, dự án đã thí điểm việc xây dựng chương trình, hoạt động của hai cơ sở ươm tạo trong trường Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh (HCMUT-TBI) và Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ (NTBIC). Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ ươm tạo InnoFund trực thuộc dự án BIPP cũng tài trợ 20 dự án ươm tạo với kinh phí tài trợ trung bình là 550 triệu đồng/dự án nhằm thử nghiệm cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động này.
Từ kinh nghiệm này, dự án BIPP đã xuất bản ba tài liệu gồm “Lộ trình về Tiền ươm tạo và Ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025”, Sổ tay hướng dẫn song ngữ về “Khung pháp lý cho doanh nghiệp KH&CN và Vườn ươm công nghệ”.
Các bài học rút ra về cơ chế hỗ trợ tài chính cho Vườn ươm và Doanh nghiệp đã được đúc kết trong báo cáo “Nghiên cứu đánh giá quỹ InnoFund, 10/2018” và sẽ được bộ KH&CN tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, ba tài liệu này mới chỉ được phổ biến dưới dạng bản in, phát trong các hội thảo và gửi cho các sở, ban ngành chứ chưa được công khai rộng rãi.
Các diễn giả tại toạ đàm “Tầm nhìn phát triển ươm tạo doanh nghiệp KH&CN” trong Hội nghị. Ảnh: TTTT
Bài toán nguồn lực tài chính cho vườn ươm
Vườn ươm doanh nghiệp (Business Incubator) thường là một mô hình tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập hoặc mới hoạt động trong giai đoạn đầu biến những ý tưởng công nghệ khả thi thành sản phẩm định hình và đầu tư lấy cổ phần cho doanh nghiệp.
Nguồn tài chính của vườn ươm thường đến từ bên ngoài như ngân sách nhà nước, các quỹ tư nhân, hoặc thu một lượng phí nhỏ từ các doanh nghiệp. Bởi vậy, nguồn tiền để duy trì hoạt động và đầu tư của các vườn ươm không ổn định và rất giới hạn. Trong khi đó thời gian của vườn ươmdành cho startup thường kéo dài nhiều năm (1-5 năm), và khả năng thoái vốn rất thấp, thời gian thoái vốn lâu do các doanh nghiệp startup luôn có rủi ro cao và cần nhiều vòng gọi vốn trước khi có thể bị mua lại, sáp nhập hoặc lên sàn chứng khoán.
Trong buổi thảo luận về “Tầm nhìn phát triển ươm tạo doanh nghiệp KHCN” của Hội nghị tổng kết dự án BIPP, vấn đề tìm kiếm nguồn lực cho các vườn ươm được các diễn giả đặc biệt quan tâm. Ông Trần Đắc Hiến, Giám đốc Dự án BIPP, nhận xét “Bản thân các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp còn thiếu một chiến lược phát triển bền vững, chương trình hành động mang tính dài hạn, chủ động và tự chủ nên thường gặp rất nhiều khó khăn khi không còn nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước hoặc các nguồn tài trợ khác,”
Năm 2017, Việt Nam có khoảng 30 vườn ươm, trong đó có 10 vườn ươm trực thuộc các cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp; 7 vườn ươm thuộc các trường đại học và 13 vườn ươm còn lại do các tổ chức tư nhân hoặc nước ngoài thành lập. Tuy nhiên, việc thiếu vốn không chỉ nằm ở năng lực của mỗi vườn ươm.
Đối với các vườn ươm công lập, mặc dù được nhận một phần kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước nhưng do khung pháp lý, chính sách cho đến hiện nay vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, nên nhiều vườn ươm vẫn gặp khó khăn khi nhận và phân bổ ngân sách.
PGS.TS.Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.HCM, nơi có Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ nêu lên nhu cầu đối với “những chính sách tốt hơn, ví dụ cho mở ra hợp tác công-tư PPP, cho phép khối tư nhân tham gia vào cùng khối nhà nước để tận dụng mọi nguồn lực có thể”.
Các vườn ươm tư nhân cũng mong muốn cần có những chính sách tạo điều kiện để vườn ươm có thể huy động vốn từ nhiều nguồn. Theo ông Lý Đình Quân, giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, “Một trong những rào cản lớn là tài chính cho phát triển hệ sinh thái. Tư nhân hầu như không được hưởng thụ từ nguồn ngân sách này của nhà nước và rất khó khăn trong việc tiếp cận nó,”
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, cũng đồng quan điểm, cho rằng trên thế giới, nhiều nước bố trí một nguồn lực riêng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, chứ không tính vào phần ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu như cách Việt Nam đang làm. Tại các nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ… nguồn lực riêng này có thể được kéo thêm từ các tập đoàn và quỹ lớn và tỷ trọng từ khối tư nhân có thể cao hơn cả nguồn đóng góp từ ngân sách nhà nước. Theo ông Quất, việc đề xuất nhu cầu đối với nguồn lực mới và cơ chế phân bổ mới nên được đẩy mạnh hơn, đặc biệt trong các diễn đàn cấp cao như TECHFEST.
Dự án BIPP cũng chỉ ra rằng chính phủ nên khuyến khích thành lập các Quỹ đầu tư, Quỹ mạo hiểm, Quỹ đầu tư theo mô hình hợp tác công-tư để huy động vốn cho các vườn ươm tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo khuyến nghị, phần lợi nhuận tạo ra từ Quỹ này sẽ được tái đầu tư cho phát triển công nghệ, vườn ươm tạo và các startup tiềm năng, và cần có các cơ chế miễn giảm thuế thu nhập đối với các Quỹ này cũng như với doanh nghiệp KH&CN.
Trong bài phát biểu bế mạc, Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, nhấn mạnh “Dự án BIPP kết thúc nhưng đây mới chỉ là khởi đầu cho tương lai, cho việc tiếp tục phát triển ngày một mạnh mẽ hơn hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.