Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi (ECSS 2018) do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức ngày 31/10 tại TPHCM, hơn 20 kết quả nghiên cứu quả mới nhất trong lĩnh vực này đã được giới thiệu.
Trong nghiên cứu xu thế bồi xói lòng dẫn do sự kết hợp khai thác thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu trên sông Hậu, nhóm tác giả Trường Đại học Tài nguyên môi trường TPHCM đã ứng dụng mô hình Mike 21 để mô phỏng diễn biến lòng dẫn dưới ảnh hưởng của thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn kết hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đoạn sông Hậu đi qua tỉnh Sóc Trăng. Kết quả cho thấy, khi lượng phù sa bị sụt giảm nhiều thì lòng dẫn dễ bị xói lở nghiêm trọng. Nghiên cứu này góp phần dự báo nguy cơ sạt lở bờ tăng lên khi các công trình thủy điện ở thượng nguồn xây ồ ạt.
Nhóm tác giả Phan Thùy Linh (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) và GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán) thì nghiên cứu phân vùng tổn thương vùng ven biển Cần Giờ dưới tác động của bão. Kết quả cho thấy, thị trấn Cần Thạnh huyện Cần Giờ là nơi có khả năng chịu tác động lớn nhất từ bão, do đây là khu vực có mật độ dân số cao nhất và là trung tâm hành chính, kinh tế huyện.
Trong khi đó, TS. Đào Nguyên Khôi - ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, với nghiên cứu “Ứng dụng viễn thám để đánh giá sự thay đổi hình thái sông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” đã giúp nhận diện được khu vực sạt lở cũng như nguyên nhân gây sạt lở và ước tính được tốc độ sạt lở, bồi đắp của các khu vực. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học để đưa ra các giải pháp ứng phó với tình trạng trên.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khá có giá trị được nhiều đại biểu quan tâm như Mô hình dự báo hình thành cồn cát ven biển; Tiến trình thay đổi hình thái cửa sông ven biển miền Trung; Suy giảm bãi cát biển Hòn Chông (Nha Trang) và cách thức phục hồi;…
Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, ECSS là dịp để các nhà khoa học gặp gỡ, thảo luận các kết quả nghiên cứu và thúc đẩy sự hợp tác trong việc theo dõi, quản lý và ra quyết định trong lĩnh vực cửa sông, bờ biển và bãi bồi. Ngoài ra, hội nghị còn góp phần định hướng nghiên cứu và hình thành các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực trong và ngoài nước.
Được biết, tham gia hội thảo, ngoài các nhà nghiên cứu trong nước còn có các nhà nghiên cứu và chuyên gia nước ngoài, chủ yếu đến từ Nhật Bản.
Kiều Anh