Tại các địa điểm như thành phố cổ Dubrovnik (Croatia) và khu tàn tích Carthage (Tunisia), mối đe dọa đến từ những cơn bão mạnh và xói lở bờ biển đã tăng lên đáng kể do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Thành phố Venice (Italy) lắp đặt hàng rào chắn để ngăn lũ lụt do nước biển dâng. Ảnh: Getty
Để mô tả tốt hơn những rủi ro mà các di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng tại khu vực Địa Trung Hải phải đối mặt, các nhà khoa học tại Đại học Kiel(Đức) khảo sát 49 Di sản thế giới được UNESCO công nhận nằm ở vùng trũng thấp.
Trong số đó, có 37 địa điểm từng bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng do bão, 42 địa điểm đang bị đe dọa bởi hiện tượng xói lở bờ biển. Kết quả cho thấy, khi mực nước biển cao hơn, nguy cơ nước biển dâng do bão làm hư hại các di sản thế giới tăng lên khoảng 50%. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications vào tháng 10/2018.
“Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu, nhiều Di sản thế giới sẽ bị tổn hại nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao và làm mất đi giá trị vốn có của chúng”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Quốc Hùng (theo Upi)