Thế nhưng ông vẫn khiêm tốn tự nhận hiểu biết của mình về biển còn quá ít.
Phải có cách tiếp cận vĩ mô
Ở tuổi gần “thất thập cổ lai hy”, người đàn ông vóc người đậm với mái tóc bạc trắng này dường như vẫn không có điểm dừng, vẫn tích cực tham gia trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế về biển. Ngay trong tháng 7, ông là báo cáo viên đại diện cho ASEAN tại hội thảo ASEAN - Trung Quốc về bảo vệ môi trường Biển Đông tổ chức ở Thái Lan, và hội thảo Đối thoại ASEAN - Ấn Độ về kết nối đại dương thông qua các hoạt động kinh tế, bảo đảm an ninh an toàn dân sinh giữa 2 khu vực tổ chức ở New Dehli.
Đến với nghề năm 22 tuổi và trở thành nhà quản lý khi mới hơn 35 tuổi, ông nhớ lại những ngày đầu khó khăn từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước: “Ngày đó, để thiết lập hệ thống quan trắc môi trường biển đầu tiên, chúng tôi phải đo nhiều trạm, nhiều điểm đo ngoài biển. Để có số liệu tốt, độ tin cậy cao, anh em chúng tôi phải sử dụng phương pháp đo chờm, tức thủy triều hoạt động 24 giờ/ngày thì kỹ thuật viên phải đo 36 giờ liên tục ở một điểm. Đặc biệt mỗi lần đo ở vùng cửa sông rất nguy hiểm vì đó là những vùng hỗn tạp giữa gió đất, gió biển, địa hình đáy cửa sông thay đổi theo ngày. Những lần cử anh em đồng nghiệp đi như thế, tôi mong anh em từng ngày. Có những lần hết giờ trực không thấy anh em về, lòng như lửa đốt, sau 3 ngày, ai về nhìn cũng gầy xọp đi. Tôi xót xa nói với anh em rằng, mua một cân ‘thịt người’ đắt quá”.
Nghề nghiên cứu về biển nhiều vất vả, gian nan, nhưng PGS Nguyễn Chu Hồi quan niệm nhà khoa học về biển “phải có cái nhìn phóng khoáng” và “cách tiếp cận vĩ mô, nhìn ra được bối cảnh và các mối quan hệ tự nhiên”. Với người lãnh đạo một cơ quan nghiên cứu về biển thì không thể thiếu một tầm nhìn xa, không ngừng phát triển, bồi bổ năng lực trình độ cán bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc hết sức phong phú, đa dạng.
Từ những năm 1980, khi đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển tại Hải Phòng, ông đã đưa ra tiêu chí phải tiêu chuẩn hóa cán bộ. Từ một đơn vị chỉ với 10% số người có bằng trên đại học, sau 3 năm con số đó đã tăng lên 50-60%; đặc biệt, ông khuyến khích đào tạo ở nước ngoài. “Không ai thoáng như tôi vì chỉ thích cho anh em đi nước ngoài” - PGS Chu Hồi dí dỏm nói.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: Đoàn Dung
Đến bây giờ ông vẫn không quên lần thuyết phục Đại sứ quán Pháp xin học bổng cho một số cán bộ trẻ ở cơ quan đi học AIT (học cao học) ở Thái Lan nhưng xin không phải thi tiếng Anh, vì thi ngay là trượt. “Tôi nói với họ rằng chúng tôi khao khát được học để nâng cao trình độ nhưng do chưa có đủ thời gian để chuẩn bị học ngoại ngữ trong điều kiện xa Hà Nội, nên mong họ chấp nhận học mà không phải thi tiếng Anh, sau 6 tháng nếu người của tôi không thi được tiếng Anh thì tôi sẽ hoàn trả toàn bộ học bổng.” Trước quyết tâm của ông, phía bạn đã đồng ý phương án cho cán bộ Việt Nam sang AIT vừa dự học chuyên môn vừa chuẩn bị thi tiếng Anh sau 6 tháng.
Ông về nói với cán bộ của mình: “Chú gửi các cháu đi, nếu các cháu sang đấy 6 tháng không chịu khó học tập thì chú sẽ phải hoàn trả tiền cho họ và mỗi người phải nộp lại 50%”. May mắn là sau 6 tháng không ai bị trượt. “Trong chuyến công tác thỉnh giảng ở Thái Lan, có bạn khoe với tôi rằng có thể tự tin phiên dịch giúp tôi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sau này có một số người học cao học ở AIT trở về tiếp học học tiến sỹ ở Đại học Cambridge (Anh Quốc). Ba tháng sau khi cậu đó sang Anh, tôi nhận được một bức thư: Hôm nay cháu chính thức lên trường làm việc với tư cách một nghiên cứu sinh tiến sỹ của trường danh tiếng nhất thế giới. Cháu viết thư cảm ơn chú đã tạo điều kiện cho cháu có bệ phóng như ngày hôm nay”.
Nhớ về người lãnh đạo từng cử mình đi học AIT ở Thái Lan năm đó, TS Nguyễn Đức Cự - nguyên Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển, đánh giá: “PGS Nguyễn Chu Hồi là người có tầm nhìn và có cách quản lý rất hiện đại… Ông hết sức chú ý đến vấn đề đào tạo bởi khi đào tạo được con người thì đưa vào quản lý rất tốt”.
Người tiên phong trong các nghiên cứu mới về biển
Trong nghiên cứu về biển, lĩnh vực còn non trẻ ở trong nước, đóng góp lớn nhất của PGS Chu Hồi, theo GS-TS Phạm Hoàng Hải – Chủ nhiệm Chương trình nhà nước về khoa học công nghệ biển, là đã tận dụng tối đa các mối quan hệ hợp tác quốc tế để đưa được những kinh nghiệm, những hướng nghiên cứu mới về Việt Nam.
Cụ thể hơn, PGS-TS Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển, nhận định PGS Chu Hồi là người đặt nền móng cho hướng nghiên cứu về tài nguyên - môi trường biển ở Viện và có lẽ cũng là ở Việt Nam. “Những định hướng mới của thế giới như quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển, tiếp cận quản lý biển dựa trên tiếp cận sinh thái học, quản lý biển theo không gian và quy hoạch không gian biển, bảo tồn môi trường và tài nguyên biển cũng được PGS Chu Hồi giới thiệu và chúng tôi là người tiếp cận”.
Tiêu biểu trong các hướng nghiên cứu mới của ông là đề tài “Quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2010 và đang triển khai trên cả nước.
PGS Chu Hồi cho biết, biển Việt Nam bao gồm 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc sáu vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hệ sinh thái này có giá trị dịch vụ sinh thái rất lớn, một số hệ sinh thái có năng suất sinh học cao là rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Chính vì thế, bảo tồn biển là quản lý các vùng biển xác định (kể cả các đảo có trong vùng biển đó), trong đó không chỉ quan tâm tới các mục tiêu kinh tế - xã hội mà đặc biệt chú trọng bảo vệ các loài động thực vật có giá trị, bảo vệ các hệ sinh thái biển và sự đa dạng sinh học biển để duy trì nền tảng cho sự phong phú về sản vật, sản phẩm biển.
“Đề tài được phê duyệt đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho cán bộ, ngành và địa phương ven biển chủ động hơn trong kế hoạch hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ cảnh quan môi trường biển, góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu biển Việt Nam cũng như phát triển kinh tế biển bền vững” – PGS Chu Hồi phấn khởi nói.
Tính đến tháng 11/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập được mạng lưới 10/16 khu bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Các khu bảo tồn này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sinh thái – môi trường biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển và cung cấp cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang rất quan tâm.
Mới đây, PGS. Nguyễn Chu Hồi cũng đề xuất đưa “Quy hoạch không gian biển” vào Luật Quy hoạch và đã được Quốc hội thông qua năm 2017 với tư cách quy hoạch cấp quốc gia. Ông cho biết thực tế hiện nay, biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành thông qua các quy định luật pháp, chính sách của các ngành khác, trong khi lại thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo.
“Do đó, quản lý không gian biển phải được tiếp cận theo hướng mới, tập trung vào bốn mảng chính yếu: (1) không gian vùng ven biển (duyên hải), (2) không gian biển, (3) không gian đảo và (4) không gian đại dương. Đối với kinh tế biển cả bốn mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiền đề, tiềm năng và lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế biển” - PGS Chu Hồi phân tích.
Ông dẫn ví dụ: Hằng năm thế giới luôn có xếp hạng 10 đảo “đắt nhất”, còn các đảo của nước ta, mặc dù đã có quy hoạch phát triển được Chính phủ ban hành từ năm 2010, nhưng vẫn đang khai thác một cách tự phát, “mạnh ai người ấy làm”, “thấy có cái gì thì khai thác cái đó” một cách cảm tính trực quan, thiếu quy hoạch và thiếu cơ sở khoa học đối với một đối tượng đặc thù. Lẽ ra, chúng ta phải sớm tiến hành quy hoạch, lập kế hoạch phát triển kinh tế hải đảo, trong đó xác định chức năng theo thế mạnh của từng đảo và cụm đảo.
“Quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo là cụ thể nhưng cần đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như phải nhìn cả ở góc độ địa kinh tế, địa chính trị và các vấn đề xã hội, với tính liên kết với dải ven biển, thậm chí phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu” – ông nói.
------
Để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo dựng được một nền kinh tế xanh dương (blue economy) trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại; phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế, có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi sinh năm 1952 tại Hưng Yên. Ông nguyên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển tại Hải Phòng (nay là Viện Tài nguyên và Môi trường biển) thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ông hiện là giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF). |