Nhiều doanh nghiệp chưa nhận diện được đầy đủ những vấn đề về sở hữu tài sản trí tuệ hoặc có triển khai nhưng chưa trọn vẹn.

Là một công ty chuyên sản xuất các thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Vĩ Long lúc mới thành lập không có Ban quản trị Tài sản trí tuệ (TSTT). Từ năm 2012, Công ty đã tái cấu trúc Công ty theo hướng trọng tâm phát triển TSTT, cho phép công ty quản trị, phân loại, đánh giá TSTT để chọn cách khai thác chúng theo những cách khác nhau.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào hiện nay cũng nhận ra tầm quan trọng và việc cần phải quản trị TSTT như Công ty Vĩ Long. Ông Đỗ Cao Thắng, Công ty TNHH thiết kế khuôn mẫu Việt, cho biết, là công ty chuyên sản xuất các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến hạt điều nên Công ty có khá nhiều sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, những sản phẩm này mới chỉ được Công ty đăng ký bảo hộ quyền chứ chưa có bộ phận quản trị TSTT và cũng chưa biết cách phân loại và khai thác hết các TSTT của mình sao cho có hiệu quả. “Nhận thấy tầm quan trọng của việc quản trị TSTT, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu và tham gia các lớp đào tạo để thời gian tới có thể quản trị TSTT của mình được tốt hơn” – ông Thắng chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến bảo hộ TSTTT
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận diện và biết cách quản trị TSTT. Ảnh: KA

Tương tự, bà Đặng Trần Cẩm Vân - Công ty TNHH V.E.V (TPHCM) - cũng cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm mặc dù có đăng ký bảo hộ độc quyền một số sản phẩm, nhưng doanh nghiệp chưa nhận diện và biết cách quản trị, khai thác các TSTT của mình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng Bộ phận tư vấn Quản trị Tài sản trí tuệ, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN (STAS), Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN, cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc quản trị TSTT hoặc có triển khai nhưng chưa trọn vẹn. Phần lớn các doanh nghiệp chưa nhận diện được đầy đủ những vấn đề về sở hữu TSTT. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của STAS mới đây cho thấy việc truyền thông về các chương trình đào tạo và chính sách bảo hộ, phát triển TSTT vẫn chưa đến được với tất cả doanh nghiệp.

Nhận thấy nhu cầu ngày càng gia tăng của doanh nghiệp, từ năm 2017 đến nay, STAS đã tổ chức được gần 30 khóa đào tạo về Quản trị TSTT tại TPHCM, Sóc Trăng, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre,...

Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tại khu vực phía Nam nhận biết và nhận diện đúng, đủ về TSTT, từ đó có các phương thức bảo hộ phù hợp, giúp doanh nghiệp lường trước các rủi ro khi thương mại hoá TSTT. Ngoài ra, các khóa đào tạo cũng đưa ra các biện pháp pháp lý để doanh nghiệp không bị mất quyền tài sản và ngăn cản hành vi sử dụng, khai thác của các chủ thể khác trong trường hợp TSTT bị bộc lộ, công bố.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung giảng dạy tại một khóa đào tạo
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung giảng dạy tại một khóa đào tạo về quản trị TSTT. Ảnh: KA

Các khóa đào tạo tập trung chuyên sâu vào từng đối tượng sở hữu trí tuệ cụ thể, học viên tham gia học, với các nội dung như: Vai trò của các TSTT trong kinh doanh và hoạt động R&D; Quản trị TSTT dưới dạng bí mật kinh doanh, quyền tác giả, quyền liên quan, dạng Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, phần mềm,..; Xác lập và bảo vệ quyền đối với các TSTT; Hợp đồng giao kết kinh doanh TSTT; Kỹ năng thực hành viết sáng chế; Các khía cạnh tài chính của TSTT;…

Theo bà Nhung, khi thực hiện việc xác lập quyền hoặc bảo hộ tốt các TSTT sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ các đối tượng đã được bảo hộ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp kiểm soát, nắm giữ các tài sản quan trọng, bảo vệ doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh, tránh sao chép tác phẩm hoặc sử dụng cải tiến.

“Cần quản trị TSTT từ khi mới được hình thành và quá trình thương mại hóa, để biến TSTT thành công cụ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp” – bà Nhung nói và cho rằng, mỗi một doanh nghiệp có thể đưa ra một mô hình quản trị TSTT sao cho phù hợp với thực tế của đơn vị mình.