Cả đời Phạm Toàn vừa tự học, vừa đi dạy, vừa viết văn, vừa dịch sách, vừa nghiên cứu Văn học, Nghệ thuật, Tâm lý học, Khoa học giáo dục... Từ đó ở ông đã hình thành nên niềm khát khao muốn đem tất cả những gì mình đã tích lũy được, truyền đạt lại cho thế hệ trẻ, bằng phương pháp giáo dục mới, với một niềm tin: sẽ Đúng và Thành công.


Nhà giáo Phạm Toàn (giữa),người sáng lập và lãnh đạo nhóm Giáo dục hiện đại Cánh Buồm. Ảnh: Hoàng Nam.

Báo cáo tóm tắt về lý thuyết và thực tiễn của phương pháp dạy học Cánh Buồm tại buổi tọa đàm kỷ niệm 10 năm thành lập nhóm Cánh Buồm và 100 ngày mất của Nhà giáo Phạm Toàn, cho biết, lý thuyết giáo dục của nhóm là sự tích lũy qua nhiều năm nghiên cứu của Phạm Toàn, trong đó có phần chịu ảnh hưởng từ thuyết tâm lý học của Jean Piaget, coi trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Phạm Toàn cũng tiếp nhận quan điểm của Vygotsky về sự phát triển tự nhiên của trẻ phải song hành cùng với sự phát triển nhân tạo (giáo dục đúng) để tạo ra sự phát triển con người xã hội, con người văn hóa lịch sử; lúc này giáo dục mới có thể thúc đẩy trẻ vươn tới “vùng phát triển gần nhất”, vượt lên tình trạng tự nhiên, hiện có.

Ngoài ra, Phạm Toàn quan niệm rằng, phải tôn trọng nhân cách học sinh, khuyến khích, hướng dẫn học sinh phát triển mọi tiềm năng trí khôn “sẵn có” của mình, điều này sẽ giúp hình thành năng lực cảm thụ và diễn đạt nghệ thuật theo trí năng và cảm xúc riêng của mỗi học sinh... Quan điểm này có cơ sở từ lý thuyết nhiều dạng trí khôn của Howard Gardner mà Phạm Toàn đã đề cập trong cuốn Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục (2008).

Điều đặc biệt ở Phạm Toàn là ông đã thành công trong việc thao tác hóa để tìm cách hình thành ở học sinh những năng lực về Văn và tiếng Việt, nhờ đó, các em có thể tạo ra sản phẩm của chính mình. Đại diện nhóm Cánh Buồm đánh giá đây là thành tựu lớn nhất của Phạm Toàn, bởi có hệ thống thao tác thì mới thực hiện được hành động, và nếu đã biết thao tác hóa thì có thể hướng dẫn học sinh Tiểu học về những khái niệm trừu tượng. Quá trình đó giúp học sinh lĩnh hội cả tri thức lẫn phương pháp làm ra tri thức một cách chắc chắn, khiến cho học sinh thích học và biết cách tự học.

Không chỉ tiếp thu lý thuyết của Jean Piaget, Vygotsky và Howard Gardner, triết lý giáo dục của Phạm Toàn còn chịu ảnh hưởng từ người thầy, một người bạn, đó là GS. Hồ Ngọc Đại.

Trả lời câu hỏi, trong lời giới thiệu các cuốn sách của Cánh Buồm, Nhà giáo Phạm Toàn có viết rằng cuốn sách có tham khảo sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, vậy đâu là sự khác biệt giữa hai bộ sách này; GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Phạm Toàn là một người hết sức tâm huyết, hết sức tận tâm với giáo dục. Khi Phạm Toàn thành lập ra Cánh Buồm, anh ấy bảo rằng đây là một nhánh của Công nghệ giáo dục, tôi bảo: ‘Không, anh có tư cách trở thành một tác giả, và làm một bộ sách coi như là độc lập với Công nghệ giáo dục.’ "

GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại tọa đàm hôm 2/10 tại Hà Nội.

Lý thuyết giáo dục của Phạm Toàn hiện đang được áp dụng vào thực tiễn thông qua các hoạt động ngoại khóa của một số trường phổ thổng và ở CLB Ô Xinh.

Theo đại diện của CLB Ô Xinh, ở đây các em được học cách tưởng tượng, phân vai đóng kịch, nhằm học được cách đồng cảm với tất cả mọi người. Bởi, sản phẩm cuối cùng mà các thành viên điều hành CLB mong muốn, là một “con người biết tư duy, biết xúc cảm và biết tự chủ từ khi còn là học sinh tiểu học.” Đặc biệt, khi năng lực của các em được khơi dậy, các em luôn khiến thầy cô bất ngờ về sự tự do, thoải mái trong sáng tạo của mình.

CLB đã nhận được sự hào hứng của học sinh và sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, nhiều người trong số đó thậm chí không ngại ngồi học cùng con để hiểu rõ hơn tinh thần giáo dục của Cánh Buồm.

Một buổi chia sẻ về việc đọc sách hiệu quả của Câu lạc bộ. Ảnh: CLB Ô Xinh

Điều băn khoăn duy nhất của các phụ huynh là do sách giáo khoa Cánh Buồm không được dạy chính khóa, nên con họ sẽ vất vả hơn, mất thời gian hơn khi phải theo học chương trình này ở các lớp ngoại khóa.

Theo nhóm Cánh Buồm, những kết quả của nhóm trong việc biên soạn sách giáo khoa và triển khai chương trình đã được báo cáo trực tiếp và nhận được sự ủng hộ của Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT; của Phó ban Tuyên Giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng; của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; được báo chí giới thiệu trân trọng bằng nhiều bài viết. Tuy nhiên, nhóm cho rằng, việc đánh giá khách quan, đầy đủ giá trị về lý thuyết và thực tiễn của giáo dục Cánh Buồm cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn bên ngoài.

Trên hành trình lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cho xã hội, nhóm Cánh Buồm đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là kể từ khi nhà giáo Phạm Toàn qua đời. Dẫu vậy, điều quan trọng trước hết của một dự án, đó là nó phải có sức sống trong cộng đồng và trong xã hội, như đại diện nhóm Cánh Buồm chia sẻ: “Dù Phạm Toàn đã đi xa, nhưng di sản của ông vẫn sống, chính là vì nó được xã hội chấp nhận và nuôi dưỡng. Chính vì vậy, những di sản Phạm Toàn để lại và thành tựu của Cánh Buồm cần được tiếp tục duy trì và phát triển với nhiều hình thức, không phải vì Phạm Toàn mà là vì con em chúng ta, vì đóng góp cho giáo dục, cho xã hội.”