Cụ thể, so với tầng lớp thu nhập trên trung bình (tạm gọi là trung lưu), người tiêu dùng thu nhập thấp có khả năng mua gạo được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thấp hơn khoảng 16%.

Như vậy, mặc dù đã có quy định về việc các cơ sở kinh doanh gạo phải có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng trên thực tế người tiêu dùng nhóm thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các chính sách đảm bảo cho người nghèo khả năng tiếp cận các nguồn lương thực an toàn - một quyền cơ bản của người tiêu dùng.

Đây là phát hiện trong nghiên cứu “Inclusiveness of consumer access to food safety: Evidence from certified rice in Vietnam” [Mức độ tiếp cận của người tiêu dùng đối với an toàn thực phẩm: Bằng chứng từ mua gạo có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam] của các nhà khoa học Đại học Ghent, Bỉ và Đại học Huế đăng trên tạp chí Global Food Security. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát người tiêu dùng thành thị tại một thành phố lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi mua gạo của người dân các nhóm thu nhập khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá các yếu tố tác động tới tâm lý hành vi mua gạo, điều kiện kinh tế của người mua và cho thấy điều kiện thu nhập là yếu tố quyết định đến hành vi mua gạo có chứng nhận an toàn vệ sinh.