Một số công ty và tổ chức ở Việt Nam đã triển khai nhiều ứng dụng phục vụ phòng chống COVID-19.
* Ứng dụng Bluezone do Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV cùng nhau phát triển được các cơ quan chức năng khuyến khích người dân sử dụng để bảo đảm khả năng ghi nhận và cảnh báo những người tiếp xúc gần với nguy cơ bệnh COVID-19.
Sau khi người dùng cài đặt ứng dụng để tham gia vào cộng đồng, điện thoại của họ sẽ tự “nói chuyện” với nhau trong trường hợp họ có sự tiếp xúc qua lại. Nhờ công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp, thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký thời điểm và thời gian tiếp xúc của người dùng, khi phát hiện có sự tiếp xúc gần (trong khoảng cách 2m).
Nếu phát hiện ra một người nhiễm bệnh Covid-19 (F0), dữ liệu của người đó sẽ được nhập lên hệ thống rồi chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng và cảnh báo những người đã có ghi nhận lịch sử tiếp xúc với F0. Như vậy, khi phát hiện ca dương tính F0, thay vì cách ly cả nghìn người, chỉ cần cách ly vài chục người. Tuy nhiên, chỉ khi số lượng người dùng kết nối với hệ thống đủ lớn, thì mạng lưới này mới phát huy hiệu quả.
* Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa do Viettel phối hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện vệ tinh vừa triển khai thí điểm đáp ứng đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành, gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Khi nền tảng được triển khai, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website; kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin; đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hằng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.
* Viện Ứng dụng Công nghệ (NACENTECH), Bộ KH&CN, vừa bàn giao cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc (eScreening).
Cấu tạo của giải pháp gồm phần mềm được viết trên các hệ điều hành thông dụng, cho phép chạy trên máy tính hoặc trên nền web; và phần cứng bao gồm một máy tính hai màn hình (một cho nhân viên y tế, một cho người khai báo) cùng cảm biến nhiệt để đo nhiệt độ người khai báo. Khi tổ chức phân luồng, người khai báo nhập thông tin cá nhân, lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày và các triệu chứng như ho, sốt... từ màn hình chạm phía ngoài. Hệ thống này cũng hiển thị được 6 ngôn ngữ.
Với hệ thống này, thay vì phải đứng bên cạnh hướng dẫn bệnh nhân khai báo thì nhân viên y tế có thể đứng trong phòng có vách ngăn mà vẫn hướng dẫn được bệnh nhân, giảm nguy cơ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm. Việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu của bệnh viện cũng dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều, sau một ngày có thể biết được bao nhiêu bệnh nhân đến khám, trong đó có bao nhiêu bệnh nhân nước ngoài, bao nhiêu bệnh nhân trong nước.